Tetracycline trị mụn: Công dụng và lưu ý sử dụng

Tetracycline là thuốc gì, và tại sao nó lại được ứng dụng trong điều trị mụn? O2 SKIN sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản nhất về cơ chế, công dụng, chỉ định và chống chỉ định cũng như các lưu ý trong sử dụng Tetracyclin giúp đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Tetracycline trị mụn: Công dụng và lưu ý khi sử dụng
Tetracycline trị mụn: Công dụng và lưu ý khi sử dụng

Tetracycline là thuốc gì? #

Tetracycline là một trong những loại thuốc kháng sinh phổ rộng được ứng dụng nhiều trong điều trị một số bệnh liên quan đến sự nhiễm trùng do vi khuẩn, điển hình nhất là mụn trứng cá và một số bệnh về đường hô hấp, bệnh lây qua đường sinh dục… Đặc biệt sản phẩm thường được chỉ định cho tình trạng mụn viêm đỏ mức độ từ vừa đến nặng. Tetracycline thuộc nhóm cycline, có tác dụng kìm khuẩn do ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn, qua đó ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn trên da. Chính vì thế mà Tetracycline được ứng dụng nhiều trong điều trị các vấn đề về da liễu nói chung và mụn trứng cá nói riêng.

Thuốc Tetracycline là một loại kháng sinh được dùng theo chỉ định của bác sĩ
Thuốc Tetracycline là một loại kháng sinh được dùng theo chỉ định của bác sĩ

Các dạng bào chế của Tetracycline

Tetracycline được sử dụng ở cả 2 dạng: Đường bôi tại chỗ và đường uống. 

  • Dạng viên uống: Tetracycline đường uống thường được đóng gói thành các viên nén hàm lượng khác nhau, phổ biến hiện nay là 2 hàm lượng Tetracycline 250mg và  Tetracycline 500mg.
  • Dạng bôi tại chỗThuốc Tetracycline có thể được bào chế dưới dạng uống hoặc dạng tuýp bôi tại chỗ. Còn đối với Tetracycline dạng bôi tại chỗ thường được sản xuất dưới dạng Tetracycline 1% tuýp 5g.

Công dụng của Tetracycline  #

Kháng sinh Tetracycline hiện nay được ứng dụng tương đối nhiều trong điều trị viêm da, mụn trứng cá…

Tetracyclin giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây mụn
Tetracyclin giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây mụn

Tetracycline có nhiều công dụng trong lĩnh vực y tế, bao gồm:

  • Điều trị mụn trứng cá trung bình đến nặng: Mụn do vi khuẩn propionibacteria sinh sống trong nang tuyến bã và biến đổi lipid thành acid béo tự do, gây kích ứng mạnh và hình thành mụn trứng cá.
  • Điều trị nhiễm khuẩn: Tetracycline được sử dụng để điều trị các loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm gây ra, bao gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da và mô mềm, viêm nhiễm ruột và các bệnh nhiễm khuẩn khác.
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Tetracycline được sử dụng trong điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai và bệnh lậu.
  • Bệnh Lyme: Tetracycline có thể được sử dụng để điều trị bệnh Lyme, một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra thông qua cúm cắn của các loài ký sinh trùng trên động vật.
  • Loét dạ dày tá tràng: Tetracycline thường được sử dụng phối hợp với các kháng sinh khác để điều trị loét dạ dày tá tràng do nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn Helicobacter pylori.

Lưu ý: Tetracycline chỉ nên được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và theo đúng liều lượng và thời gian điều trị quy định, do có thể gây ra tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn.

Cơ chế điều trị mụn trứng cá của Tetracyclin #

Mụn trứng cá được hình thành chủ yếu do 3 nguyên nhân là tế bào da chết, bã nhờn trên da tăng sinh, và sự xâm nhập của các vi khuẩn. Chính vì thế, khi sử dụng thuốc kháng sinh Tetracycline, thuốc này ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn, trong đó có các loài vi khuẩn chủ yếu gây nên mụn, từ đó giảm thiểu nguy cơ và giúp chữa lành mụn trứng cá.

Tetracyclin giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây mụn
Tetracyclin giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây mụn

Cụ thể, khi được đưa vào bên trong cơ thể, việc đầu tiên thuốc kháng sinh trị mụn Tetracyclin sẽ giúp cơ thể tăng đề kháng và sẵn sàng “chiến đấu” chống lại bất kỳ tác động, xâm nhập hay gây thương tổn do vi khuẩn gây ra. Điển hình là vi khuẩn P. acnes, từ đây bước đầu các ổ mụn sẽ dần chấm dứt việc ăn sâu dưới da, hay tình trạng viêm nhiễm cũng được chặn đứng, không lây lan ra vùng rộng hay tổn thương nhiều tế bào da khác. 

Tiếp đến, Tetracyclin sẽ xâm nhập vào tế bào vi khuẩn, gắn vào tiểu đơn vị 30S của ribosom. Từ đây, liên kết aminoacyl t-RNA của vi khuẩn bị giảm. Từ đó, quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn bị ức chế, vi khuẩn không thể sinh sôi, nhân bản hơn nữa. Và các vi khuẩn P. acnes cũng vì thế bị ức chế, suy giảm khả năng gây thương tổn tế bào, viêm nhiễm hay ăn sâu xuống dưới bề mặt da.

Quay trở lại với vấn đề trị mụn bằng Tetracyclin, thuốc kháng sinh trị mụn này chủ yếu điều trị các loại mụn từ vừa cho đến nặng. Tức các loại mụn đã xuất hiện hiện tượng viêm, có mủ hay bọc mủ, u nang dưới da thì uống thuốc kháng sinh trị mụn Tetracyclin sẽ mang lại hiệu quả cao cũng như chấm dứt sớm khả năng mụn chuyển nặng hơn. 

Chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ khi sử dụng Tetracycline trị mụn #

Giống như bất kì loại thuốc nào khác, khi sử dụng Tetracycline trị mụn ta cần lưu ý về chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ cũng như các lưu ý khi sử dụng nó.

Chỉ định

  • Điều trị mụn trứng cá viêm, bao gồm mụn bọc, mụn mủ, mụn viêm đỏ…
  • Điều trị viêm da do vi khuẩn
Tetracycline 500mg trị mụn
Tetracycline 500mg trị mụn

Chống chỉ định

  • Những người có khả năng dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc
  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú, cũng như người mắc một số bệnh lý như tắc nghẽn thực quản,…
  • Không dùng cho trẻ em dưới 8 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương và răng
  • Không dùng Tetracycline cho những người bị suy gan, suy thận nặng
  • Tránh dùng thuốc cho bệnh nhân bị Lupus ban đỏ toàn thân

Tác dụng phụ

  • Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy,…
  • Mày đay, phù Quincke, tăng nhạy cảm với ánh sáng khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, làm trầm trọng thêm hội chứng Lupus ban đỏ toàn thân.
  • Thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa Eosin. Thông báo cho bác sỹ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

Tương tác thuốc

– Khi dùng chung Tetracyclin với:

  • Các cation hoá trị 2, 3 (Nhôm, Bismuth, Calci, Sắt, Magnesi, Kẽm), Natri bicarbonat, Colestipol, sữa và các sản phẩm từ sữa: làm giảm sự hấp thu của Tetracyclin.
  • Các thuốc lợi tiểu: làm tăng khả năng gây độc thận của Tetracycline.
  • Các Retinoid: làm gia tăng áp lực hộp sọ.
  •  Lithium, Digoxin, Theophylline, các thuốc kháng đông đường uống: làm gia tăng nồng độ các chất này trong cơ thể.

– Tetracycline làm giảm tác dụng của các thuốc tránh thai

Hướng dẫn sử dụng Tetracycline điều trị mụn trứng cá #

Việc sử dụng Tetracycline trị mụn là tương đối đơn giản, tuy nhiên phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh việc tự mua thuốc về sử dụng làm ảnh hưởng tình trạng mụn và sức khỏe của cơ thể.

Cách sử dụng Tetracycline đường uống trị mụn

Tetracycline thường hay được sử dụng bằng đường uống thông qua viên nén hoặc viên nang để điều trị mụn.

Tetracycline trị mụn đường uống
Tetracycline trị mụn đường uống
  • Bạn nên dùng ở dạng viên uống, mỗi lần uống cần uống kèm một lượng nước nhiều để hạn chế kích ứng. 
  • Nên uống trước hoặc sau 1-2 giờ sau bữa ăn hoặc sau khi đã uống sữa.
  • Không nên dùng chung thức ăn hoặc sữa, nước trái cây với thuốc vì có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng và công năng của thuốc. 
  • Khi uống thuốc nên ở tư thế thẳng và tuyệt nhiên không uống hay sau khi vừa uống xong bạn không nên nằm ngay.
  • Liều lượng sử dụng: Uống 500mg/lần và 2 lần/ngày. Uống liên tục trong 14 ngày hoặc có thể lâu hơn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tính chất của nhiễm trùng.

Cách sử dụng Tetracycline bôi tại chỗ

Thuốc dạng mỡ bôi ngoài da có cơ chế là làm tăng khả năng hấp thụ của da để các thành phần hoạt tính được hấp thụ sâu hơn so với các công thức bôi khác. Mặc dù thuốc mỡ có thể làm mềm da, nhưng nó lại cản trở quá trình bài tiết của da. Từ đó gây sung huyết da, giảm tiết mồ hôi và gây sung huyết. Ngoài ra, thuốc mỡ bôi ngoài da có thể làm giảm lưu lượng máu đến da và gây giãn mạch hoặc co mạch. Tùy thuộc vào tá dược mà thuốc mỡ thấm vào da nhiều hay ít nông hay sâu. Do vậy, có thể nói, việc dùng thuốc mỡ Tetracyclin trị mụn vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Lưu ý khi sử dụng Tetracycline trị mụn? #

Việc sử dụng không cần thiết hoặc lạm dụng kháng sinh này có thể làm giảm tính hiệu quả của thuốc hoặc gây lờn thuốc hay tình trạng kháng kháng sinh, rất nguy hiểm và khó chữa trị về sau. Do đó, khi sử dụng thuốc này, bạn cần tuân thủ một số lưu ý sau:

Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định và hướng dẫn kỹ càng từ Bác sĩ da liễu
Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định và hướng dẫn kỹ càng từ Bác sĩ da liễu
  • Chỉ sử dụng khi có chỉ định và hướng dẫn kỹ càng từ Bác sĩ da liễu.
  • Sử dụng đúng liều và thời gian quy định theo hướng dẫn.
  • Khi dùng Tetracyclin trị mụn làn da sẽ vô cùng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hay ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử. Vì vậy bạn nên che chắn, sử dụng các loại kem chống nắng phù hợp với làn da và bao gồm cả ánh sáng xanh mỗi khi ra ngoài hay khi ngồi trước tivi, máy tính hoặc sử dụng điện thoại nhé!
  • Chăm sóc da đúng cách theo hướng dẫn từ Bác sĩ, dược sĩ. Chống nắng và dưỡng ẩm đều đặn
  • Tăng cường các thực phẩm rau xanh, trái cây, uống nhiều nước

Tetracycline trị mụn giá bao nhiêu? #

Hiện nay trên thị trường viên uống Tetracycline trị mụn là rất phổ biến, và có thể được mua tại nhiều nhà thuốc trên toàn quốc, với mức giá khác nhau tùy từng nơi, dao động từ 80.000 đến 120.000 1 hộp 10 vỉ 10 viên nang. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và tránh gặp phải các sản phẩm hàng nhái hàng giả, tốt nhất là hãy mua Tetracycline thuốc uống tại các nhà thuốc có uy tín và thương hiệu đã được khẳng định, hoặc ngay chính các nhà thuốc của các cơ sở phòng khám da liễu. Đặc biệt cần có sự kê toa và hướng dẫn kỹ lưỡng từ bác sĩ da liễu.

Bài viết được tổng hợp, tham khảo và chọn lọc từ tài liệu lưu hành nội bộ của O2 SKIN, giúp bạn có thêm kiến thức đúng về chăm sóc da và điều trị mụn hiệu quả.Cập nhật: 14/11/2023

Các thông tin được O2SKIN chia sẻ nhằm mục đích tham khảo, tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa của bác sĩ cho từng cá nhân. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Powered by BetterDocs