Da nhiễm corticoid là vấn đề nhức nhối của nhiều người sau khi sử dụng các loại kem trộn, hàng trôi nổi trên thị trường. Đặc biệt tình trạng này kéo dài có thể tàn phá da rất nhanh chóng. Nếu bạn đang tìm hiểu da nhiễm corticoid là gì, triệu chứng ra sao hãy đọc ngay hướng dẫn từ Bác sĩ Da liễu để nhận biết tình trạng này và giúp bạn chăm sóc đúng cách và phục hồi da bị nhiễm corticoid.
Corticoid là gì?
Trước khi tìm hiểu da nhiễm corticoid là gì hãy cùng O2 SKIN tìm hiểu về chất Corticoid dưới đây.
Corticoid (tên đầy đủ là glucocorticoid) là một loại thuốc kháng viêm được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau. Cơ thể luôn sản xuất corticoid ở ngưỡng vừa đủ để đáp ứng nhu cầu sinh lý cho các tế bào. Ở nồng độ sinh lý, corticoid giúp duy trì cân bằng nội môi, làm tăng sức chống đỡ của cơ thể với stress và giúp duy trì các chức năng khác của cơ thể.
Hiện nay, trên thị trường corticoid được bào chế với nhiều dạng khác nhau:
- Dạng viên (đường uống)
- Dạng tiêm trực tiếp vào trong mạch máu, khớp, cơ
- Dạng hít qua miệng
- Dạng xịt mũi
- Dạng dung dịch dùng với máy khí dung
- Dạng kem, gel, thuốc bôi mụn viêm…chỉ dùng tại chỗ
Tác dụng – Tác dụng phụ của corticoid?
Tác dụng của Corticoid
Corticoid là một chất kháng viêm, kháng dị ứng, ức chế miễn dịch được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Riêng về lĩnh vực da liễu, nó thường được điều chế dưới dạng thuốc bôi, có thể được dùng để làm giảm các triệu chứng của bệnh chàm, viêm da tiếp xúc hay bệnh vảy nến. Corticosteroid tại chỗ không thể chữa khỏi những tình trạng này, nhưng có thể giúp làm giảm các triệu chứng.
Dưới dạng kem bôi, chỉ được sử dụng với liều lượng rất thấp từ 0,05% – 0,2% trong thời gian ngắn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Corticoid dạng bôi hoàn toàn không thuộc nhóm dưỡng da, mà chỉ là một nhóm thuốc để điều trị và cần sử dụng đúng với phác đồ của Bác sĩ chuyên môn.
Tác dụng phụ của corticoid trên da?
Corticoid được xếp vào nhóm độc dược bảng B, là chất có khả năng gây nhiễm độc, biến chứng và gây nghiện cho người sử dụng. Do đó nó chỉ được phép dùng khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa và dùng trong thời gian rất ngắn để làm giảm triệu chứng của bệnh. Khi sử dụng lâu dài nó có khả năng gây ra những biến chứng khó lường lên cả làn da và cơ thể. Dưới đây là một số tác dụng phụ khi dùng corticoid không đúng chỉ định:
- Da trở nên tệ đi hoặc lây lan nhiễm trùng
- Teo da, giãn mạch máu
- Viêm nang lông
- Bào mỏng da, có thể làm cho da của bạn dễ bị tổn thương hơn trước các tác động bên ngoài
- Rạn da, có khả năng tồn tại vĩnh viễn, mặc dù chúng có thể sẽ ít được chú ý hơn theo thời gian
- Viêm da tiếp xúc, là tình trạng kích ứng da do phản ứng dị ứng nhẹ với các chất trong một loại corticosteroid tại chỗ cụ thể
- Bùng phát mụn, mụn viêm to và nặng hơn lúc đầu.
- Trứng cá đỏ hay tình trạng đỏ bừng mặt
- Thay đổi màu da – điều này thường dễ nhận thấy hơn ở những người có làn da sẫm màu
- Lông mọc quá nhiều trên vùng da được điều trị
- Hội chứng Cushing (một tình trạng rối loạn các chức năng của cơ thể như giữ nước, tăng cân, rạn da, tăng huyết áp, yếu cơ, loãng xương… )
Các tác dụng phụ có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu bạn:
- Sử dụng một corticosteroid mạnh hơn
- Sử dụng nó trong một thời gian rất dài
- Sử dụng trên một khu vực rộng lớn
Đây không phải là danh sách đầy đủ tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra. Tùy vào từng loại thuốc bôi và các thành phần kết hợp mà có những tác dụng phụ khác nhau, hay đọc kỹ tờ giấy hướng dẫn sử dụng đi kèm trong mỗi tuýp thuốc để tránh các tác dụng phụ này.
Da nhiễm corticoid là gì?
Da nhiễm corticoid là một tình trạng tổn thương da, bị tích tụ bởi độc corticoid từ các sản phẩm bôi chứa chất này với các biểu hiện thường thấy như da rất mỏng, yếu, rất dể kích ứng, đỏ kèm các mụn nước nhỏ li ti… Khi sử dụng sản phẩm bôi chứa corticoid trong thời gian dài sẽ dẫn đến lệ thuộc corticoid. Mức độ tổn thương da do corticoid phụ thuộc vào liều dùng, thời gian dùng sản phẩm và yếu tố cơ địa từng người. Nồng độ cortioid trong sản phẩm càng cao, sử dụng trong thời gian càng dài thì sẽ càng có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Da nhiễm corticoid cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hại đến làn da và cơ thể.
Da nhiễm Corticoid do đâu?
Ngày nay có rất nhiều người gặp phải tình trạng da nhiễm Corticoid, đa số xuất hiện ở nhiều chị em phụ nữ, một số nguyên nhân có thể kể đến như:
- Lạm dụng corticoid với hàm lượng cao trong thời gian quá dài.
- Tự ý mua và sử dụng các loại thuốc chứa corticoid không tuân theo chỉ định của bác sĩ, dùng sai cách, dùng quá liều…
- Sử dụng các mỹ phẩm làm đẹp đa dạng không được kiểm định chất lượng, không ghi rõ nguồn gốc, có chứa thành phần corticoid nguy hiểm (Coritcoid thường ẩn nấp trong các loại kem trộn, kem trắng da, trị mụn cấp tốc, mỹ phẩm có quá nhiều công dụng cùng một lúc như làm trắng da, trị nám, trị mụn, đồi mồi, tàn nhang…)
Cơ chế hoạt động của corticoid qua đường bôi
Thuốc corticoid khi bôi ở các cá thể khác nhau, vị trí khác nhau hay thành phần công thức khác nhau sẽ có khả năng hấp thu qua da khác nhau. Yếu tố ảnh hưởng đến hấp thu qua da của thuốc kháng viêm corticoid là độ dày của lớp sừng và thành phần lipid. Da mặt là nơi có khả năng thẩm thấu tốt hơn do có lớp sừng mỏng và có sự phân bố của nhiều tuyến bã nhờn. Đối với những vùng da tổn thương trong viêm da dị ứng thì sự hấp thu này có thể lớn hơn 2-10 lần.
Để giảm thiểu rủi ro, nên sử dụng thuốc corticoid trong thời gian ngắn mà vẫn đảm bảo hiệu quả.
Bên cạnh đó với các tác dụng dược lý hữu ích của corticoid như khả năng chống viêm và kháng dị ứng mạnh corticoid thường được bổ sung vào các chế phẩm dùng ngoài da để điều trị các bệnh như viêm da tiếp xúc, chàm, viêm da cơ địa,… Thuốc giúp giảm ngứa ngáy, phù nề, giúp giảm viêm, giảm đau do mụn trứng cá và duy trì làn da mịn màng, trắng sáng hơn với đặc tính ức chế miễn dịch. Chính vì vậy ngày càng nhiều chế phẩm trôi nổi trên thị trường đã bổ sung corticoid với ngưỡng vượt mức cho phép nhiều lần vào các sản phẩm trị mụn, làm trắng da, lột da. Chính điều này kèm với việc lạm dụng sản phẩm chứa corticoid trong thời gian dài đã gây nên những tổn thương nặng nề cho da.
Tác hại phổ biến khi dùng kem bôi chứa corticoid
Hiện nay rất nhiều mỹ phẩm, kem bôi được quảng cáo là trắng da, trị mụn cấp tốc thường có chứa một lượng lớn thành phần corticoid. Khi sử dụng kéo dài nó có thể gây ra những hậu quả khó lường, bao gồm:
Bào mỏng da
Khi dùng mỹ phẩm chứa Corticoid lâu dài với liều lượng cao, chúng sẽ bào mỏng da của bạn, lâu dài lớp hàng rào bảo vệ da suy yếu, mỏng và lộ rõ vẫn mạch máu. Đề kháng da suy yếu và mất dần khả năng chống chọi trước những tác động xấu từ môi trường bên ngoài. Da lúc này vô cùng nhạy cảm và dễ kích ứng.
Gây nghiện cho da
Corticoid được bộ Y tế liệt kê vào nhóm độc dược bảng B, là chất có khả năng gây nhiễm độc, biến chứng và gây nghiện cho người dùng. Khi bạn ngưng dùng, da sẽ phản ứng dữ dội và như ngứa ngáy, kích ứng, . Nếu tiếp tục sử dụng da sẽ hoàn toàn mất khả năng đề kháng.
Viêm da
Các triệu chứng như bong tróc, đỏ bừng mặt, da dễ bị mụn, mụn bùng phát nghiêm trọng là các triệu chứng rất dễ gặp phải của làn da nhiễm corticoid.
Mức độ nhiễm corticoid được chia ra thành nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng. Ở cấp độ nhẹ, da sẽ có các biểu hiện khô, bong và có biểu hiện yếu dần, dễ kích ứng. Khi được phát hiện kịp thời và điều trị phù hợp, da sẽ phục hồi sớm hơn. Tuy nhiên nếu để da có biểu hiện phụ thuộc corticoid, ở mức độ càng nặng thì khả năng phụ hồi càng khó và tốn rất nhiều thời gian. Có những tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi chỉ vì ngộ độc corticoid quá nặng dẫn đến hoại tử.
Vì sao corticoid nguy hiểm nhưng vẫn được sử dụng trong mỹ phẩm bôi da?
Mặc dù đã có rất nhiều sự cảnh báo đến từ các cơ quan chức năng và các chuyên gia y tế về tác dụng phụ nghiêm trọng mà corticoid gây ra cho người dùng, song tại sao chúng vẫn được sử dụng rộng rãi và bán tràn lan trên mạng trong các loại kem bôi, kem trộn trắng da, trị mụn cấp tốc? Dưới đây là một số nguyên nhân giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Nhiều công dụng
- Chống viêm mạnh: Nhờ tác dụng chống viêm mạnh, do đó khi dùng mỹ phẩm chứa corticoid sẽ giúp cho các tình trạng mụn viêm, mủ biến mất nhanh chóng.
- Trắng da nhanh: tùy theo nồng độ sử dụng, corticoid có thể “xóa sổ” những nốt mụn cứng đầu, làm mờ vết nám, khiến những vết chân chim thêm phần căng mọng.
- Da căng bóng, mịn màng: Corticoid có tác dụng giữ nước do đó khi sử dụng chúng ta có cảm giác da căng bóng, đây là tình trạng trữ nước trên da tạo cảm giác căng mọng. Tuy nhiên đây chỉ là tác dụng ban đầu, khi sử dụng lâu dài sẽ có khả năng gây phù nề và lão hóa nghiêm trọng.
Tác dụng nhanh
Vì là chất có công dụng giảm nhanh các triệu chứng viêm nên nhiều cơ sở sản xuất mỹ phẩm trôi nổi đã lợi dụng công dụng của loại độc dược này để cho một lượng lớn corticoid vào các loại kem trị mụn, trắng da cấp tốc và bày bán tràn lan trên thị trường. Hàm lượng Corticoid trong mỹ phẩm càng cao sẽ có hiệu quả càng nhanh chóng thậm chỉ chỉ sau 24h bôi sản phẩm. Các nốt mụn sưng viêm, nám sạm mờ hẳn chỉ sau một thời gian rất ngắn. Tuy nhiên hệ lụy của nó để lại thì vô cùng nguy hiểm cho người sử dụng
Chi phí thấp
Corticoid có thể dễ dàng mua tại các tiệm thuốc với giá rất rẻ. Chất này được các cơ sở bán kem trộn, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mua về với số lượng lớn, sau đó trộn với các loại kem dưỡng da, viên kích trắng… hòa thành một hỗn hợp sền sệt. Hỗn hợp này được đóng gói rất tinh vi, đẹp mắt trong các lọ chứa mỹ phẩm và bán ra với giá cao, thu lợi lớn. Rất nhiều bạn trẻ đã tin vào những quảng cáo như: Trị mụn tận gốc chỉ sau 7-10 ngày, trắng da cấp tốc, da mịn như da em bé…
Hiệu quả bất ngờ khi sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid đã khiến nhiều người lầm tưởng đây là thần dược. Tuy nhiên, tác dụng ấy chỉ kéo dài trong một thời gian rất ngắn. Sau khi ngưng dùng, công dụng ức chế chống viêm lúc này của corticoid bị phản tác dụng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người dùng.
Do đó, các bác sĩ O2 SKIN khuyến cáo bạn nên tìm mua mỹ phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, nên mua tại các cơ sở uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chứa corticoid.
5 dấu hiệu nhận biết da nhiễm corticoid
Hiệu quả đến từ corticoid rõ ràng thế nào thì những dấu hiệu tổn thương do corticoid cũng dễ thấy như thế. Viêm da do corticoid có rất nhiều biểu hiện, nhưng nguy hiểm nhất và phổ biến nhất vẫn là 5 dấu hiệu tương ứng với 5 cấp độ dưới đây:
Da khô, sần sùi, bong tróc
Đây được xem là cấp độ đầu tiên, là dấu hiệu khởi phát của làn da bị ảnh hưởng corticoid. Lúc này da của bạn sẽ trở nên trắng hồng, mịn màng, mụn giảm nhanh, các chị em sẽ ít khi để ý đến những thay đổi trên làn da của mình. Ngoài ra, trong giai đoạn này làn da của bạn sẽ có biểu hiện khô, có độ sần nhẹ, thường xuyên ngứa râm ran rất khó chịu.
Da bị đỏ và giãn mạch kéo dài
Khi sử dụng corticoid trong suốt một thời gian dài, làn da của bạn sẽ bị đỏ, ửng và nóng rát, đặc biệt là khi vận động, xúc động hay tiếp xúc với nhiệt độ hay các hóa chất sẽ càng khó chịu hơn. Dễ thấy nhất ở cấp độ này là da bắt đầu giãn mạch máu (giãn mao mạch). Đây là tình trạng các mạch máu nông nằm ở ngay dưới bề mặt của lớp biểu bì bị giãn, thường xuất hiện dưới dạng các đường nhỏ màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, có thể dày hơn ở vùng mũi, có dạng thẳng, lượn sóng hoặc hình tròn.
Khi tình trạng giãn mạch xảy ra liên tục, tính đàn hồi của mao mạch bị giãn ra và yếu đi, do đó mao mạch không thể co lại theo kích thước ban đầu. Các mao mạch bị giãn hoặc nở rộng trở nên dễ thấy hơn trên bề mặt da. Không những thế da luôn trong tình trạng căng tức, phù nề ở mặt do hiện tượng trữ nước trong da không thoát ra được, dưới da luôn châm chích và ngứa ngáy.
Da bắt đầu nổi mụn và tăng tiết nhờn
Lúc này da của bạn luôn trong tình trạng bóng nhờn, do tiết bã nhờn bị tăng lên, khiến dầu sản sinh mất kiểm soát, khi không kìm hãm được lượng dầu này sẽ khiến làn da bạn sinh ra mụn trầm trọng. Đặc biệt là các nốt mụn viêm sưng to, có mủ đỏ rát, cảm giác châm chích mỗi khi chạm nhẹ vào.
Da bị viêm phồng rộp
Đây là dạng nhiễm độc corticoid nặng nhất và tế bào da bị hủy sâu . (hay còn gọi là hội chứng hoại tử nông da do nhiễm độc Steven Johnson). Tình trạng này xuất hiện khi da bị nhiễm corticoid có độ tính cao trên cơ địa da bị dị ứng bẩm sinh thường kéo dài và dai dẳng. Nếu gặp phải tình trạng này da của bạn sẽ hình thành các mụn nước như lúc bị phỏng, sần sùi ửng đỏ và thâm sạm, bám vảy và rất khó điều trị.
Viêm da kích thích
Chính là thể rất nặng và cấp tính, khi sử dụng các loại corticoid có nồng độ mạnh, độc tính cao. Triệu chứng lúc này thường gặp sẽ là: da sẽ tấy đỏ, nóng rát, da khô bong tróc theo từng mảng, sần sùi, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy vô cùng khó chịu.
Dấu hiệu nhận biết bạn đang dùng sản phẩm chứa corticoid
Có 3 dấu hiệu rất dễ nhận biết chúng ta đang sử dụng 1 lọai kem bôi chứa corticoid
Hiệu quả rất nhanh
Da trắng mịn nhanh chóng, mụn hoặc dị ứng da giảm nhanh sau mốt thời gian ngắn (vì bản chất corticoid là chất kháng viêm-kháng dị ứng mạnh)
Nhận biết qua bao bì, nhãn mác sản phẩm
Bao bì và kết cấu của hũ kem đang sử dụng có thể gây nghi ngờ như: Bao bì: in ấn sơ sài, chữ ko đều, dễ tróc khi cạy; ko có thành phần (hoạt chất cụ thể), nguồn gốc sản xuất cụ thể; hộp đựng sơ sài, tên công ty thường nghe rất “hoa mỹ” và “đúng với nhu cầu” Kết cấu: thường đặc, màu vàng, mùi hắc. Tuy nhiên hiện này kem trộn được làm rất tinh tế, có thể ko biệt được dựa vào kết cấu -> theo dõi nếu hiệu quả điều trị quá nhanh phải nghi ngờ
Da có dấu hiệu phụ thuộc corticosteroid khi ngưng sử dụng
Một số dấu hiệu khi ngưng dùng sản phẩm như là ban đỏ, cảm giác ngứa châm chích, đau nóng bừng mặt hoặc là bùng phát mụn. Tùy vào liều lượng corticoid trong sản phẩm cũng như là thời gian sử dụng, cơ địa của từng người mà các triệu chứng này sẽ biểu hiện ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Do đó là nhiều người cứ phải dùng kéo dài để không bị các triệu chứng này, tuy nhiên càng dùng thì da lại càng mỏng, mao mạch lỗ rõ và rất nhiều biến chứng nguy hiểm sau đó.
Làm gì khi phát hiện da bị nhiễm corticoid?
Lời khuyên dành cho bạn khi phát hiện làn da của mình có các dấu hiệu nhiễm corticoid:
- Nhanh chóng tìm gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác tình trạng của da. Ngoài ra, cần mang theo các sản phẩm đang sử dụng cho bác sĩ xem để xác định nguyên nhân.
- Không dùng tay chạm vào da để tránh mang vi khuẩn thêm cho da, ngoài ra tránh làm vỡ các nốt mụn viêm, làm lây lan sang vùng da khác.
- Thay đổi chế độ ăn uống bằng cách uống nhiều nước để dưỡng ẩm da, bổ sung vitamin từ các loại rau củ, để cơ thể sản sinh các collagen elastin, và các thực phẩm bổ sung làm đẹp khác.
- Tăng cường bảo vệ da dưới ánh nắng khói bụi môi trường bằng cách sử dụng viên uống chống nắng, hạn chế dùng kem chống nắng thoa ngoài da. Ngoài ra, dùng thêm ô che, nón rộng vành..mỗi khi ra đường vào buổi trưa và xế chiều.
Da nhiễm corticoid có trị được không?
Bạn có thể phục hồi da nhiễm corticoid ở mức độ nhẹ đến trung bình. Với các tình trạng nặng, ở cấp độ thứ 5 thì khả năng phục hồi rất khó và tốn rất nhiều thời gian. Thậm chí bạn phải trải qua nhiều vấn đề khó chịu trên da trong một thời gian dài bởi làn da lúc này đã bị tổn thương quá nặng, nó có thể phản ứng với bất kể một tác nhân nào từ môi trường.
Các bác sĩ da liễu có thể giúp bạn lựa chọn sản phẩm phục hồi da nhiễm corticoid phù hợp cho tình trạng và mức độ tổn thương của bạn. Hãy cố gắng tuân thủ một chế độ chăm sóc da và phục hồi nghiêm ngặt, tuân theo chỉ định của bác sĩ để sớm cải thiện tình trạng của mình.
Điều trị da nhiễm corticoid bằng phương pháp nào?
Việc điều trị da nhiễm corticoid rất khó khăn và tốn nhiều thời gian. Tùy vào mức độ tổn thương của da mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho làn da đang bị nhiễm corticoid.
Điều trị da nhiễm corticoid nhẹ
Ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng dùng mỹ phẩm chứa corticoid mà bạn dùng trước đó
- Bước 1: Kiểm tra sản phẩm nào bạn đang dùng có chứa corticoid. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng dùng nó.
- Bước 2: Bác sĩ lên phác đồ điều trị phù hợp cho tình trạng da của bạn, có thể bao gồm thuốc điều trị da nhiễm corticoid nhẹ hoặc các sản phẩm dược mỹ phẩm có chức năng phục hồi hàng rào bảo vệ da
- Bước 3: Hướng dẫn cách chăm sóc da nhiễm corticoid tại nhà và những lưu ý trong sinh hoạt, ăn uống để tránh tình trạng diễn tiến nặng.
Điều trị da nhiễm corticoid mức độ nặng
Để phục hồi làn da nhiễm corticoid là cả một quá trình, đòi hỏi bạn phải kiên trì từng bước một, không được vội vàng. Để làm được điều đó trước tiên bạn cần tuân thủ các hướng điều trị dưới đây:
Bước 1: Cai nghiện corticoid
Tùy mức độ nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ khuyên bạn ngưng hoặc ngưng từ từ. Với tình trạng da lệ thuộc corticoid mức độ nặng cần phải giảm tần suất sử dụng sản phẩm cho đến khi ngưng hẳn. Việc ngưng đột ngột sản phẩm chứa corticoid có thể khiến da phản ứng lại bằng các cơn bùng phát mụn dữ dội. Do đó cần ngưng từ từ để cắt được “cơn nghiện” cho da mà hạn chế gặp phải tình trạng nổi thêm mụn, mẩn ngứa trên mặt,…
Giải quyết các vấn đề đi kèm nếu có (nhiễm trùng, nấm, vi khuẩn…)
Điều này sẽ giúp cho bạn giảm được tình trạng viêm đỏ, tiêu sưng, phục hồi độ dày của da bằng thuốc kê toa: Thuốc uống trị mụn viêm, kem bôi chứa các thành phần dưỡng ẩm, serum trị thâm, phục hồi da, kem trị thâm mụn.
Bác sĩ có thể yêu cầu kết hợp với các phương pháp trị liệu khác để phục hồi da
Một số phương pháp có thể được Bác sĩ chỉ định kết hợp điều trị trong trường hợp này như:
- Phương pháp phục hồi da kỹ thuật cao: Công nghệ Lăn kim và peel da phục hồi, PRP – Công nghệ sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu, Điện di dưỡng chất phục hồi da, Mesotherapy… giúp đưa dưỡng chất phục hồi sâu vào bên dưới da, kích thích quá trình lành thương và chức năng tự phục hồi của cơ thể
- Công nghệ ánh sáng phục hồi da: IPL để giải quyết tình trạng giãn mao mạch hay các hiện tượng đỏ da cho tác dụng phụ của corticoid gây nên
- Dùng thuốc điều trị nhiễm corticoid theo chỉ định của bác sĩ: Các loại thuốc bôi ngoài da hoặc kháng viêm, kháng sinh kết hợp giúp làm dịu các triệu chứng đi kèm
- Thực phẩm bổ sung: Một số thực phẩm bổ sung có thể được bác sĩ chỉ định kết hợp giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể và làn da, đồng thời giúp thanh nhiệt, giải độc, phục hồi da
Kết hợp chăm sóc da tại nhà theo hướng dẫn
Vệ sinh da nhẹ nhàng với nước muối sinh lý, các sản phẩm không chứa hạt, ít tạo bọt, không chứa chất tẩy, dùng sản phẩm dành cho da nhạy cảm, da bị tổn thương.
Cách chăm sóc da mụn viêm nhiễm corticoid
Làm sạch da dịu nhẹ
Sử dụng nước muối sinh lý mua ở hiệu thuốc, dùng ngày 2 lần sáng/tối để làm sạch da. Trong một số trường hợp không quá nặng, Bác sĩ có thể khuyến khích sử dụng các sản phẩm sữa rửa mặt dịu nhẹ phù hợp cho da nhạy cảm đã được sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng kem phục hồi, dưỡng ẩm
Làn da bị nhiễm corticoid rất nhạy cảm, dễ bị khô, thiếu nước, bong tróc vảy, vì vậy sử dụng kem phục hồi, dưỡng ẩm trong thời gian này là quan trọng nhất. Người bệnh nên lựa chọn những sản phẩm có chứa vitamin E, HA lành tính, tốt nhất nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tránh tình trạng kích ứng do sản phẩm không phù hợp. Không được sử dụng các sản phẩm có chứa silicon gây tắc nghẽn cơ học khiến da nổi mụn.
Ngưng sử dụng các sản phẩm có tính chất bào mòn, bong tróc
Để làn da không bị tổn thương hơn, đầu tiên bạn hãy ngưng các sản phẩm trị mụn, trắng da, kem tự chế…một số thành phần có trong các sản phẩm này có thể khiến da bạn thêm kích ứng, viêm nhiễm nặng hơn. Những Cách tẩy tế bào chết tại nhà hay các cách trị mụn đầu đen cũng không nên áp dụng trong gian đoạn này.
Sử dụng thuốc điều trị theo toa của Bác sĩ
Hãy kiên trì sử dụng thuốc đúng theo toa đã được bác sĩ chuyên khoa đưa ra, không nên tự ý sử dụng những loại thuốc khác khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Đừng quên chống nắng bảo vệ da
Làn da khi bị nhiễm corticoid rất dễ bị kích ứng dưới tác động của môi trường, nắng, khói bụi, nhiệt độ, hóa chất…Vì vậy, hãy nên tránh nắng kĩ càng trước khi ra ngoài bằng cách sử dụng kem chống nắng dành cho da mụn viêm/ da nhạy cảm hoặc viên uống chống nắng (nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để chọn được sản phẩm phù hợp. Đồng thời kết hợp thêm các biên pháp bảo vệ, che chắn bằng các vật dụng như ô, nón rộng vành, hạn chế tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao…
Không tự ý điều trị tại nhà
Cần tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ chuyên khoa da liễu, xử lý viêm đúng cách để tránh việc mụn bùng phát nhanh, gây viêm nhiễm các vùng xung quanh và hình thành sẹo rỗ.
Lưu ý khi chăm sóc da mụn nhiễm corticoid
Khi da bị nhiễm corticoid không chỉ gây khó chịu mà còn khiến bạn mất tự tin. Hãy lắng nghe lời khuyên của bác sĩ dành cho bạn:
Tránh các yếu tố làm tăng tình trạng kích ứng, đỏ da
Nhiệt độ, nắng nóng, môi trường khói bụi, ô nhiễm là những yếu tố làm da bạn dễ kích ứng và nhạy cảm hơn. Hãy tránh nắng, những tác nhân từ môi trường bằng cách che chắn, sử dụng kem chống nắng đã được sự chỉ định của bác sĩ mỗi khi ra đường.
Tối ưu môi trường sống, sinh hoạt
Hãy đảm bảo rằng môi trường sống xung quanh bạn luôn thoải mái, tránh căng thẳng, sinh hoạt có chế độ hợp lý khoa học.
Tối ưu chế độ ăn uống
Cần tối ưu chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng mụn viêm nhạy cảm do nhiễm corticoid. Bạn hãy hạn chế dung nạp những thực phẩm có quá nhiều chất béo, thức ăn nhanh, chiên nhiều dầu mỡ, đặc biệt những thực phẩm cay nóng. Chúng sẽ thúc đẩy làm làn da bạn tiết thêm nhiều nhờn, điều này khiến mụn ngày càng sinh sôi phát triển. Bên cạnh đó, bạn nên uống từ 2-3 lít nước mỗi ngày, có thể trà xanh hoặc trà hoa cúc, …
Chọn sản phẩm dưỡng da phù hợp
Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa hương liệu, paraben, không sử dụng các chất làm se khít lỗ chân lông hoặc toner.
Hạn chế trang điểm
Khi da bị nhiễm corticoid hãy hạn chế trang điểm, để tránh tình trạng gây bít tắc lỗ chân lông, khiến mụn ngày càng viêm và lây lan sang các vùng khác, làm cho việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Lời khuyên: Khi bắt đầu thấy làn da mình có những dấu hiệu của việc nhiễm corticoid, tốt nhất hãy ngưng tất cả các sản phẩm đang dùng và tìm đến các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện lớn có uy tín để thăm khám kịp thời cùng với bác sĩ có chuyên môn. Tránh tình trạng nhiễm độc do corticoid gây ra, tiết kiệm được thời gian cũng như là chi phí điều trị.
Trên đây là những thông tin bạn cần biết về tình trạng da nhiễm corticoid là gì, triệu chứng như thế nào và cách phục hồi. Ngoài ra, để tìm hiểu chi tiết về trị mụn viêm chuẩn y khoa, bạn có thể tham khảo bài viết chuyên sâu: Mụn Viêm – Nguyên nhân, Cách điều trị và Ngừa tái phát
(*) Hiệu quả điều trị có thể khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, nếu bạn có cơ địa tốt hiệu quả điều trị sẽ đạt cao hơn.