Thuốc corticoid là thuốc kháng viêm được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý, tuy nhiên loại thuốc này đang bị lạm dụng với liều lượng rất cao trong các loại mỹ phẩm bôi da không rõ nguồn gốc. Tác dụng phụ của corticoid rất nguy hiểm nếu không được dùng đúng chỉ định. Ngay cả thuốc mỡ corticoid bôi ngoài da được bác sĩ kê cũng phải được dùng với liều lượng nhất định và trong thời gian rất ngắn. Việc lạm dụng thuốc kháng viêm corticoid sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Hãy cùng O2 SKIN tìm hiểu corticoid là thuốc gì? Tác dụng phụ ra sao, các loại thuốc có chứa corticoid hiện nay?
Thuốc corticoid là gì?
Để có cái nhìn đúng hơn trong việc sử dụng, bạn cần biết corticoid là thuốc gì. Thuốc corticoid là thuốc kháng viêm thuộc nhóm steroid, được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có một số bệnh lý về da.
Corticoid tự nhiên hay còn gọi là glucocorticoid là hormon vỏ thượng thận sản xuất có vai trò quan trọng duy trì chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo.
Thuốc Corticoid tổng hợp dựa theo công thức của hydrocortison-một chất GC thiên nhiên do vỏ thượng thận bài tiết để sản xuất rất nhiều GC tổng hợp, được dùng là thuốc kháng viêm corticoid và các bệnh liên quan đến cơ chế miễn dịch được sử dụng rất phổ biến.
Một số hoạt chất thuộc nhóm thuốc corticoid thường gặp như: hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, triamcinolone, fluticasone, beclomethasone, betamethasone, dexamethasone, clobetasone, budesonide…
Trên thị trường, thuốc corticoid được sản xuất dưới nhiều dạng dùng như:
- Thuốc corticoid dạng viên ( đường uống)
- Corticoid dạng tiêm trực tiếp vào mạch máu, khớp, cơ
- Corticoid dạng xịt mũi
- Corticoid dạng dung dịch dùng với máy khí dung
- Thuốc corticoid hít qua miệng
- Thuốc corticoid dạng kem, gel, thuốc mỡ corticoid…. (bôi ngoài da, nhỏ mắt, mũi, tai…)
Tác dụng của corticoid được sử dụng trong điều trị
Corticoid là thuốc điều trị được ứng dụng trong nhiều bệnh lý. Các tác dụng của corticoid bao gồm:
Kháng viêm
Là tác dụng phổ biến nhất khi sử dụng corticoid trong điều trị.
- Viêm khớp
- Viêm ở tim do thấp khớp
- Viêm thận do lupus ban đỏ
- Viêm mắt
Kháng dị ứng
Corticoid ức chế Phospholipase C do đó làm giảm giải phóng histamin và các chất trung gian hoá học gây dị ứng
- Mề đay, viêm da do tiếp xúc, ong đốt, viêm mạch, hen suyễn
- Da
Ức chế miễn dịch
- Bệnh collagen: Lupus ban đỏ, viêm nhiều cơ, viêm nhiều khớp.
- Ghép cơ quan: chống thải ghép
- Da: chàm, vảy nến
Điều trị thay thế
- Suy thượng thận cấp
- Suy thượng thận mạn
Tác dụng phụ của thuốc Corticoid
Corticoid có liên quan đến nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể nên khi sử dụng cũng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn trên nhiều cơ quan.
Tác dụng phụ của corticoid sử dụng trong thời gian ngắn 1-2 tuần đầu thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc nhẹ có thể gây bồn chồn, khó ngủ, kích ứng dạ dày.
Tuy nhiên nếu sử dụng ở liều cao, kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như: rối loạn nước điện giải ( gây phù, tăng huyết áp, máu nhiễm kiềm…), loãng xương, tăng đường huyết, tăng cholesterol huyết, loét/ xuất huyết dạ dày, đục thủy tinh thể, loét giác mạc, hội chứng Cushing, chậm lớn, nhược cơ, rạn da, dễ thay đổi tính tình, dễ nhiễm khuẩn/nấm/virus….
Khi sử dụng corticoid dài ngày (> 2 tuần) và ngưng đột ngột có thể gây suy thượng thận cấp.
Tác dụng phụ của corticoid khi sử dụng tại chỗ:
- Trên da: được đề cập cụ thể hơn ở các phần tiếp theo của bài viết.
- Xông hít: khó phát âm, khản tiếng, nhiễm candida
- Nhỏ mắt, mũi: bội nhiễm, đục thủy tinh thế
Corticoid trong mỹ phẩm và thuốc bôi ngoài da
Corticoid trong mỹ phẩm đang trở nên rất phổ biến, đặc biệt là các sản phẩm làm trắng da nhanh và rẻ.
Thuốc corticoid với các tác dụng dược lý hữu ích như kháng viêm, kháng dị ứng, ức chế miễn dịch, corticoid được bổ sung vào các chế phẩm dùng ngoài da để điều trị các bệnh như viêm da tiếp xúc, chàm, vảy nến, viêm da cơ địa…
Thuốc corticoid khi bôi ở các cá thể khác nhau, vị trí khác nhau hay thành phần công thức khác nhau sẽ có khả năng hấp thu qua da khác nhau.
Yếu tố ảnh hưởng đến hấp thu qua da của thuốc kháng viêm corticoid là độ dày của lớp sừng và thành phần lipid. Da mặt là nơi có khả năng thẩm thấu tốt hơn do có lớp sừng mỏng và có sự phân bố của nhiều tuyến bã nhờn. Đối với những vùng da tổn thương trong viêm da dị ứng thì sự hấp thu này có thể lớn hơn 2-10 lần.
Để giảm thiểu rủi ro nhiễm corticoid cho da, bạn nên sử dụng sản phẩm chứa corticoid trong thời gian ngắn ở mức độ, liều lượng sử dụng thấp mà vẫn đảm bảo hiệu quả.
Tên các loại thuốc có chứa corticoid trong điều trị một số bệnh về da
- Thuốc Fucidin
- Thuốc Flucinar
- Thuốc Eumovate
- Thuốc Cortibion
- Thuốc Cortibion
- Thuốc Gentrisone
- Thuốc Hydrocortison
Tác dụng chống viêm của corticoid ban đầu có thể ngăn chặn các nốt viêm, mụn mủ, giảm đỏ da, duy trì làn da láng mịn, trắng sáng hơn với đặc tính ức chế miễn dịch. Chính vì vậy mà hiện nay trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm trị mụn, làm trắng có chứa hàm lượng chất này vượt mức cho phép kèm với việc lạm dụng corticoid trong mỹ phẩm với thời gian kéo dài từ đó gây nên những tổn thương nặng nề trên làn da chúng ta.
Tác hại của corticoid trên da.
Tác hại của corticoid trên da sẽ rất nặng nề khi chúng ta lạm dụng corticoid trong mỹ phẩm với thời gian dài bao gồm: teo da, giãn mao mạch, bội nhiễm, chậm liền sẹo, có thể gây bệnh trứng cá đỏ (rosacea) với các biểu hiện ban đỏ, nốt sần và mụn mủ.
Sử dụng thuốc mỡ corticoid tại chỗ dẫn đến tăng nồng độ của các acid béo tự do trong lipid bề mặt da và tăng số lượng vi khuẩn ống tiết bã nhờn, từ đó thúc đẩy việc hình thành mụn.
Khi đã sử dụng thuốc mỡ corticoid hoặc mỹ phẩm bôi da chứa thành phần này trong thời gian dài và ngưng sử dụng đột ngột có thể gây ra sự bùng phát mụn bao gồm các nốt mụn viêm, mụn mủ đồng nhất về kích thước và mụn trứng cá nhẹ.
Lưu ý bạn không nên tự điều trị làn da nhiễm corticoid để tránh làm trầm trọng hơn tình trạng hiện tại nhé. Vì khi tế bào và cấu trúc da có thể tổn thương nghiêm trọng bởi và sẽ không có khả năng phục hồi trở lại như ban đầu. Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn thân do thấm qua da vào máu.
Trên đây là những thông tin về corticoid là thuốc gì, tác dụng và tác dụng phụ của corticoid, các loại thuốc chứa corticoid thường gặp. Khi nhận thấy làn da của mình có các triệu chứng nhiễm corticoid, bạn có thể liên hệ với bác sĩ O2SKIN để đánh giá mức độ nhiễm corticoid và phương pháp phục hồi điều trị phù hợp.