Mụn bọc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Ths.BS Phan Minh Đoàn

Tham vấn y khoa bài viết:

Ths.BS Phan Minh Đoàn

Chuyên khoa Da Liễu
Xem thêm thông tin bác sĩ

Mụn bọc là một trong những loại mụn trứng cá nặng nhất và khó điều trị nhất. Nếu bạn đã từng tự điều trị mụn bọc nhiều năm nhưng không khỏi, cứ tái phát liên tục thì hãy xem ngay bài viết này. O2 SKIN sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra mụn bọc, từ đó có hướng điều trị hiệu quả và ngăn ngừa tái phát, giúp bạn sớm có làn da sáng khỏe như mong đợi.

1. Mụn bọc là gì?

Khái niệm: Mụn bọc (có tên tiếng Anh là Acne conglobata) hay còn gọi là mụn trứng cá cụm, mụn trứng cá mạch lươn: là loại tổn thương mụn viêm ở mức độ nặng. Các nốt mụn này phát triển sâu dưới da, lan rộng và có kích thước lớn (≥0,5 cm) hoặc nốt (≥1 cm). Khi tiến triển, mụn bọc trông giống như nhọt trên da, có dạng một u nang lớn chứa đầy mủ, có thể gây áp xe và nguy cơ hình thành sẹo rất cao.

Vị trí mụn bọc: Thường xuất hiện ở cổ, vai, ngực, cánh tay, mặt, đùi, mông,… 

Độ tuổi thường gặp: Khởi phát ở tuổi dậy thì và có thể tiến triển trong vài năm sau đó.

Nguyên nhân gây mụn bọc và cách điều trị

Mụn bọc là một dạng tiến triển nặng nhất của mụn trứng cá, có thể đau khi chạm vào.

2. Tìm hiểu các giai đoạn hình thành mụn bọc

Mụn bọc hình thành và phát triển qua 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Mụn trứng cá bị vi khuẩn Cutibacterium acnes (gọi tắt là C. acnes) tấn công và gây viêm nhiễm, tuy nhiên lúc này nốt mụn còn khá nhỏ và khó nhận biết.
  • Giai đoạn 2: Tình trạng lỗ chân lông bít tắc do bụi bẩn, dầu nhờn và tế bào chết tích tụ lâu ngày tạo điều kiện cho vi khuẩn C. acnes vốn dĩ đã có sẵn trên da phát triển mạnh mẽ và gây viêm nhiều hơn, ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của da, tạo ra các nốt sần cứng, hình thành mủ.
  • Giai đoạn 3: Mụn bọc chín và vỡ ra, có thể kèm theo máu. Lúc này nếu không xử lý mụn đúng cách có thể tăng nguy cơ để lại sẹo thâm.

Cơ chế hình thành mụn bọc

Mụn bọc là kết quả của quá trình viêm nhiễm trên da, hình thành khi lỗ chân lông bị bít tắc.

3. Dấu hiệu mụn bọc dễ nhận biết

Dấu hiệu mụn bọc rõ ràng nhất:

  • Nốt mụn cục sưng đỏ có thể sờ thấy dưới da.
  • Khi sờ có cảm giác đau, chai cứng xung quanh.
  • Bên trong có thể chứa nhân mụn, dịch màu vàng hoặc trắng, mủ, đôi khi là máu.
  • Mụn bọc khá dễ vỡ và để lại nhiều biến chứng thâm sẹo rất lâu.

Ngoài ra, mỗi loại mụn bọc lại còn có đặc điểm khác nhau:

  • Mụn bọc có nhân: Đây là những mụn nốt sần, cứng và đau khi sờ vào, không có đầu mở ra trên da. Nhân mụn nằm sâu trong các lớp da, việc cố ý nặn lấy nhân mụn làm nguy cơ phá vỡ các cấu trúc bên dưới, lây lan rộng ra các vùng da xung quanh và làm cho tình trạng mụn nặng hơn.
  • Mụn bọc mủ: Các ổ mủ hình thành do sự phát triển và tăng sinh của các vi khuẩn, lúc đầu có thể chỉ thấy nốt sần cứng, sau đó sẽ thấy mềm mọng kèm theo mủ màu trắng hoặc màu xanh, gây đau nhức. Nếu không được xử lý đúng cách, mụn sẽ bị vỡ và lây lan sang vùng bên cạnh.
  • Mụn bọc có máu: Khi mụn bọc bị viêm nhiễm nặng, cơ thể có xu hướng hình thành các mạch máu, nhằm tăng cường đưa bạch cầu trong máu đến vùng bị viêm nhiễm – đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên do tác động vật lý như nặn mụn, sẽ khiến mạch máu bị vỡ, hoà lẫn vào dịch trong ổ mụn.
  • Mụn bọc kém đáp ứng điều trị (mụn bọc bị chai): Nhân mụn, dịch tiết khi không được loại bỏ, quá trình tự hấp thu chữa lành của làn da tự diễn ra, mụn bọc không vỡ, khô cứng, sạm màu đen dần. Đây là hiện tượng được hiểu đơn giản là mụn bị chai, do sự tăng sinh lớp sừng – lớp ngoài cùng của làn da, có thể có hoặc không kèm các tác động sờ, nắn từ bên ngoài. Mụn bị chai gây thô cứng, mất đều màu làn da, gây mất thẩm mỹ.

Mụn bọc có biểu hiện viêm, sưng đỏ ở mức độ nặng

Các loại mụn bọc thường gặp ở má, cằm, mũi và trán.

4. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ hình thành mụn bọc

Việc khai thác các nguyên nhân gây ra mụn bọc hoặc các yếu tố khởi phát giúp chúng ta kiểm soát và điều trị mụn bọc một cách đầy đủ và hiệu quả hơn.

Sau đây là một số yếu tố hình thành mụn bọc hoặc khiến mụn bọc phát triển hơn:

4.1. Do thay đổi nội tiết tố

Sở dĩ những bạn trẻ ở tuổi dậy thì dễ gặp mụn bọc hơn là do nội tiết tố thay đổi, cụ thể là khi nồng độ hormone androgen tăng lên (đặc biệt ở nam giới) sẽ tăng sản xuất dầu trên da quá mức, kết hợp với các yếu tố như vi khuẩn, sừng hóa nang lông dẫn đến bít tắc lỗ chân lông và gây nên mụn bọc. Ngoài ra, các đối tượng như phụ nữ mang thai, đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc đang trải qua thời kỳ mãn kinh cũng gặp tình trạng rối loạn nội tiết tố, do đó cũng có nguy cơ bị mụn bọc và viêm nhiều hơn.

4.2. Không vệ sinh da sạch sẽ sau khi tiết mồ hôi

Những người có cơ địa dễ đổ mồ hôi hoặc sau khi vận động thể thao, làm việc trong môi trường nóng bức dễ khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi. Lúc này, nếu vùng da đổ mồ hôi không được vệ sinh sạch sẽ gây bít lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và hình thành mụn bọc.

4.3. Do di truyền

Yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây nên mụn bọc và khiến tình trạng mụn kéo dài dai dẳng. Theo đó nếu trong gia đình có người thân từng bị mụn bọc thì bạn cũng có nguy cơ cao gặp tình trạng này.

4.4. Do thuốc điều trị, thực phẩm chức năng

Một số loại thuốc như corticosteroid, thuốc điều trị bệnh tuyến giáp, thực phẩm chức năng dùng trong thể thao có thể là nguyên nhân gây ra mụn bọc hoặc khiến mụn bọc thêm trầm trọng.

4.5. Thói quen chạm tay lên mặt

Nhiều người thường hay sờ hoặc chạm tay lên mặt như một thói quen tự nhiên. Tuy nhiên điều này có thể vô tình làm lây lan vi khuẩn trên da, khiến mụn bọc có thể lan sang vùng da khác và trở nên nghiêm trọng hơn.

4.6. Dùng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp

Việc lựa chọn các loại mỹ phẩm không hợp với tuýp da và tình trạng da cũng có thể gây nên mụn. Các sản phẩm chăm sóc da hoặc mỹ phẩm gốc dầu có thể khiến mụn bọc trở nên tệ hơn.

4.7. Ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh

Các thói quen như ăn đồ ngọt, đồ cay nóng, hoặc uống rượu bia, thức khuya, ngủ không đúng giờ giấc cũng là những yếu tố góp phần khiến cơ thể dễ nổi mụn. Chưa kể lo lắng và căng thẳng gia tăng cũng khiến cơ thể sản xuất nhiều bã nhờn hơn, dẫn đến hình thành mụn.

5. Với mụn bọc, khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ trong các trường hợp sau:

  • Bất cứ khi nào tình trạng mụn bọc khiến bạn mất tự tin, lo lắng quá mức, ảnh hưởng đến tâm lý và cần cải thiện sớm.
  • Mụn xuất hiện bất ngờ không rõ nguyên nhân.
  • Mức bọc ở mức độ từ trung bình trở lên.
  • Mụn tái phát liên tục.
  • Khi đã áp dụng các phương pháp điều trị mụn tại nhà, dùng thuốc không kê đơn trong vài tuần nhưng không có sự cải thiện rõ rệt.
  • Mụn xuất hiện do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc trị trầm cảm, lo âu, và các loại thuốc khác.
  • Mụn để lại nhiều sẹo mụn trên da, gây mất thẩm mỹ.

Điều trị mụn càng sớm, hiệu quả càng cao và giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong danh sách trên, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị mụn toàn diện, tránh để lại sẹo rỗ các biến chứng nguy hiểm khác.

6. Mụn bọc được chẩn đoán như thế nào?

Trước tiên, bác sĩ sẽ khám trực tiếp, quan sát và kiểm tra tình trạng mụn trên da của bạn. Sau đó, bác sĩ có thể khai thác thêm các thông tin về tiền sử gia đình, tuổi tác, thói quen sinh hoạt, hoặc có đang dùng loại thuốc nào hay không,… Sau đó, tùy theo tình trạng da, bác sĩ có thể chỉ định soi da và một số xét nghiệm bổ sung để hỗ trợ chẩn đoán và lập phác đồ điều trị chính xác.

Thăm khám trực tiếp với bác sĩ da liễu để đánh

Thăm khám với bác sĩ Da liễu ngay từ ban đầu là “chìa khóa” để cải thiện tình trạng da hiệu quả.

7. Các phương pháp điều trị mụn bọc

Các cách điều trị mụn bọc phổ biến hiện nay bao gồm: dùng thuốc, sử dụng công nghệ thẩm mỹ cao, áp dụng các phương pháp vật lý và kết hợp với các biện pháp chăm sóc da tại nhà. Cụ thể như sau:

7.1. Điều trị mụn bọc bằng thuốc

Thuốc bôi thường chứa các hoạt chất như Benzoyl peroxide, Retinoids, Axit azelaic,… có tác dụng loại bỏ bã nhờn, kháng viêm và ức chế hoạt động của vi khuẩn trên da. Nhờ vậy mụn bọc giảm sưng viêm và gom khô cồi hiệu quả. 

Tuy nhiên khi chữa mụn bọc bằng thuốc bôi bạn cần lưu ý các điều sau:

  • Benzoyl peroxide đơn độc hoặc kết hợp với kháng sinh tại chỗ cho mụn trứng cá nhẹ.
  • Benzoyl peroxide kết hợp với retinoids tại chỗ hoặc điều trị kháng sinh toàn thân cho mụn trứng cá vừa đến nặng.
  • Retinoids đơn trị liệu trong mụn trứng cá chủ yếu mụn không viêm hoặc kết hợp với kháng sinh tại chỗ hoặc đường uống trong mụn trứng cá hỗn hợp/chủ yếu viêm.
  • Gel dapsone 5% tại chỗ điều trị mụn viêm, đặc biệt ở phụ nữ trưởng thành.
  • Axit azelaic điều trị rối loạn sắc tố sau viêm.

Đặc biệt: Cần có sự tư vấn kỹ càng từ Bác sĩ da liễu để tránh các tác dụng phụ không đáng có.

Thuốc trị mụn bọc phổ biến nhất là thuốc dạng bôi ngoài da

Thuốc bôi trị mụn trứng cá bọc thường được dùng phổ biến.

7.2. Điều trị mụn bọc bằng thuốc Kháng sinh toàn thân (thuốc kháng sinh uống)

Thuốc kháng sinh toàn thân được khuyến cáo sử dụng cho mụn trứng cá viêm vừa đến nặng, kháng lại các liệu pháp điều trị tại chỗ. Kháng sinh nên được sử dụng kết hợp với retinoid tại chỗ và benzoyl peroxide để tăng hiệu quả kiểm soát mụn trứng cá bọc.

Thuốc kháng sinh cần được chỉ định bởi bác sĩ để đảm bảo an toàn, một số loại thuốc thường được kê đơn gồm tetracycline, doxycycline, minocycline, erythromycin, azithromycin, trimethoprim / sulfamethoxazole (TMP / SMX), trimethoprim và cephalexin.

7.3. Cách hết mụn bọc với thuốc Isotretinoin

Isotretinoin được khuyến cáo để điều trị mụn trứng cá nặng dạng nốt, có tác dụng kiểm soát tiết dầu, giảm viêm và làm thông thoáng lỗ chân lông hiệu quả. Tuy nhiên cần được chỉ định bởi bác sĩ để hạn chế tối đa tác dụng phụ. 

Một số lưu ý khác:

  • KHÔNG khuyến cáo dùng isotretinoin ngắt quãng.
  • Mọi phụ nữ có khả năng sinh con dùng isotretinoin nên được tư vấn cẩn thận về các biện pháp tránh thai khác nhau hiện có, bao gồm cả các biện pháp tránh thai có tác dụng kéo dài.
  • Người có các dấu hiệu của bệnh viêm ruột, các triệu chứng trầm cảm cần được theo dõi và hướng dẫn đầy đủ về những nguy cơ tiềm ẩn với isotretinoin.

7.4. Thuốc điều trị nội tiết

Thuốc điều trị nội tiết gồm có thuốc tránh thai, Spironolactone, corticosteroid giúp điều trị mụn bọc do thay đổi nội tiết tố.

  • Thuốc tránh thai đường uống có thể cải thiện tình trạng mụn trứng cá ở phụ nữ. Chúng có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị mụn trứng cá khác.
    Khuyến cáo: Thuốc tránh thai kết hợp có chứa estrogen điều trị mụn viêm ở phụ nữ.
  • Spironolactone có thể hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá ở một số phụ nữ chọn lọc, mặc dù bằng chứng về hiệu quả của nó còn hạn chế.
  • Tiêm corticosteroid trong thương tổn có hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá dạng nốt lớn. Liệu pháp corticosteroid đường uống có thể hiệu quả tạm thời ở những bệnh nhân bị mụn viêm nặng trong giai đoạn bắt đầu điều trị mụn trứng cá theo tiêu chuẩn. Do tác dụng phụ lâu dài nên corticosteroid bị cấm sử dụng như một liệu pháp chính cho mụn trứng cá.

7.5. Điều trị mụn bọc bằng công nghệ cao

Chữa trị mụn trứng cá bọc với công nghệ cao mang đến hiệu quả tối ưu, hỗ trợ kiểm soát mụn tốt và giải quyết được nhiều vấn đề sau mụn như thâm sẹo.

Laser KTP: Đây là giải pháp dùng tia laser với bước sóng 535nm để hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn P. Acnes và tác động vào mạch máu thông qua đích tác động là hemoglobin gây tái phân bố mạch máu nuôi tuyến bã, cải thiện mụn bọc rõ rệt.

Laser CO2 Fractional: Sử dụng thiết bị chiếu tia Laser CO2 có bước sóng 10.600 nm lên da, giúp đốt cháy các tế bào mô da bị hư tổn, kích thích quá trình tự làm lành vết thương của cơ thể và đẩy nhanh quá trình sản sinh tế bào mới, thay thế lớp tế bào hư tổn cũ, khắc phục vấn đề da mụn hiệu quả.

Liệu pháp quang động (PDT): PDT (Photo Dynamic Therapy) là công nghệ quang động trị liệu, kết hợp hoạt chất Methyl – ALA để điều trị mụn hữu hiệu.

Laser IPL: Ứng dụng ánh sáng xung cường độ cao với nhiều bước sóng khác nhau để hỗ trợ điều trị mụn, cải thiện các vấn đề liên quan sắc tố da, làm trẻ hóa da.

mụn bọc là gìĐiều trị mụn bọc bằng công nghệ hiện đại giúp mang lại hiệu quả cao, an toàn, không cần thời gian nghỉ dưỡng.

7.6. Cách hết mụn bọc bằng phương pháp vật lý

Các phương pháp vật lý như lấy nhân mụn, lăn kim, peel da,… cũng góp phần giúp mụn bọc gom cồi để làm sạch bề mặt da hiệu quả hơn, ngăn mụn lây lan sang các vùng da khác.

Lấy mụn bọc chuẩn Y khoa: Sử dụng dụng cụ y tế chuyên dụng tác động vào bề mặt da để đẩy nhân mụn ra ngoài sẽ giúp việc điều trị mụn nhanh hơn, tránh mụn lây lan ra nhiều vùng da khác. Phương pháp này chỉ áp dụng sau khi nốt mụn bọc đã tiêu viêm, gom cồi. Không khuyến cáo các tác động vật lý lên các nốt mụn đang viêm. Đồng thời để đảm bảo an toàn, bạn không nên tự lấy mụn tại nhà, mà hãy đến gặp bác sĩ để lấy nhân mụn chuẩn Y khoa.

Đắp mặt nạ: Đối với làn da có mụn bọc, bạn có thể sử dụng các loại mặt nạ có chiết xuất trà xanh, than hoạt tính,… để giảm viêm, kiểm soát dầu nhờn và hỗ trợ điều trị mụn.

Peel da: Phương pháp này sử dụng các chất hóa học để kích thích tế bào chết nhanh bong tróc, loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và giúp thông thoáng lỗ chân lông, nhờ vậy sẽ cải thiện mụn đáng kể, tái tạo làn da mới sáng khỏe hơn.

Lăn kim trị mụn: Với thiết bị lăn kim có đường kính siêu nhỏ (chỉ từ 0.5mm – 2.5mm), bác sĩ sẽ tạo ra các vi vết thương trên bề mặt da – chúng có vai trò như “cầu nối” để đưa serum trị mụn thâm nhập sâu bên dưới da, kích thích tăng sinh Collagen và Elastin, mang đến tác dụng trị mụn hiệu quả. Thông thường, phương pháp này chỉ áp dụng khi triệu chứng viêm của mụn đã được xử lý hoàn toàn. Ngược lại, nếu áp dụng với các nốt mụn bọc đang viêm có thể làm tăng khả năng lây lan của vi khuẩn và làm nặng thêm tình trạng hiện tại.

7.7. Các liệu pháp kết hợp, bổ sung/thay thế

Dưới đây là những cách trị mụn bọc tại nhà, hỗ trợ giảm mụn bọc và tăng cường hiệu quả điều trị mụn.

Sử dụng dược mỹ phẩm chăm sóc da: Bạn có thể chủ động chăm sóc da tại nhà bằng các sản phẩm như sữa rửa mặt, tẩy trang hoặc sản phẩm kiềm dầu, kháng khuẩn để hỗ trợ điều trị mụn, tăng cường đề kháng cho da (đặc biệt là những khách hàng có nền da yếu, da nhiễm Corticoid do sử dụng kem pha, kem trộn không rõ nguồn gốc).

Các liệu pháp thảo dược, vitamin bổ sung và thay thế: Bổ sung những dưỡng chất sau đây có thể hỗ trợ điều trị mụn bọc hiệu quả. 

  • Acid béo thiết yếu: Đặc biệt là Omega 3 có trong dầu hạt cải canola, dầu đậu nành, hạt lanh hay quả óc chó…
  • Thức ăn giàu kẽm: Có trong lúa mì, rau bina (cải bó xôi), bí ngô, hạt bí, hạt điều, đậu, nấm…
  • Thức ăn giàu vitamin A: Có trong khoai lang, cà rốt, rau lá xanh đậm, mơ khô, dưa đỏ, ớt chuông…
  • Các chất chống oxy hóa: Polyphenols (EGCG, curcumin, reservatrol) giàu các chất glutathione, silymarin, vitamin C, trà xanh, vitamin E, bilirubin, carotenoid, flavonoid, pycnogenol, melatonin, genistein, alpha lipoic acid, Co Q10, DHEA, idebenone, lycopene, polypodium leucotomos…
  • Probiotic: Có trong sữa chua và nhiều loại thực phẩm lên men có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy khi dùng kháng sinh.
  • Dầu cá: Tuy không cải thiện độ nặng của mụn nhưng dầu cá có thể giảm khô da do dùng thuốc isotretinoin.
  • Cân bằng dưỡng chất: Hãy cân bằng đầy đủ – cân đối – đa dạng các yếu tố đa lượng, vi lượng, chất chống oxy hóa…

Lưu ý, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Da liễu, không nên tự ý bổ sung bởi vì có thể tiềm ẩn nguy cơ gây quá liều, dẫn đến tác dụng phụ không đáng có.

Chế độ ăn uống: Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm bổ sung chất chống oxy hóa, men vi sinh, chất béo lành mạnh và thực phẩm chống viêm như cà chua, bông cải xanh, trà xanh, việt quất, dâu tây,… hỗ trợ cân bằng hormone, chức năng miễn dịch và làn da khỏe mạnh tổng thể. Đồng thời, bạn nên hạn chế ăn đồ ngọt, tránh uống rượu bia để không gây hại cho làn da.

Sinh hoạt lành mạnh, kiểm soát căng thẳng: Muốn hết mụn bọc, bạn nên cố gắng tìm cách giảm bớt căng thẳng không cần thiết trong cuộc sống, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá.

Chăm sóc da đúng cách để ngăn ngừa việc sẹo ăn sâu và trở nên khó điều trị

Biết cách chăm sóc da, bổ sung dưỡng chất phù hợp, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là “chìa khóa” giúp bạn nhanh hết mụn.

Lời khuyên: Đối với những ai đang đau đầu vì mụn bọc, tốt nhất nên tìm đến bác sĩ giỏi để chỉ định phương pháp phù hợp, phác đồ điều trị chuẩn Y khoa, hướng đến HIỆU QUẢ TỐI ĐA – CHI PHÍ TỐI THIỂU. Đừng nên áp dụng những phương pháp chữa trị mụn bọc từ dân gian truyền miệng, chưa có kiểm chứng khoa học, hoặc cẩn trọng trước những lời quảng cáo có cánh, kẻo “tiền mất tật mang”.

8. Các biến chứng của mụn bọc

Mụn bọc nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể để lại nhiều biến chứng khiến bạn không ngờ tới:

  • Thay đổi sắc tố da: Mụn bọc càng để lâu thì vùng da viêm nhiễm càng dễ chuyển thành vết thâm đen (hay còn gọi là tăng sắc tố sau viêm), hoặc đôi khi giảm sắc tố, da không đều màu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da.
  • Sẹo, biến dạng vùng da bị tổn thương: Tổn thương mụn bọc ở mặt kéo dài có thể làm đứt gãy các tế bào sợi Collagen và Elastin, gây phá hủy cấu trúc da và dẫn đến hình thành sẹo rỗ.
  • Mụn bọc bị chai cứng: Mụn bọc bị sạm đen, chai sần đầu mụn, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
  • Mụn tiến triển nặng: Mụn bọc với các áp xe sâu dưới da liên kết với nhau, có thể xảy ra ở nhiều vùng da khác nhau, dẫn đến tình trạng nổi mụn bọc khắp người, việc điều trị càng trở nên khó khăn hơn.
  • Nhiễm trùng toàn thân: Các tình trạng áp xe sâu, viêm nhiễm nặng có thể gây tình trạng nhiễm trùng toàn thân, biểu hiện triệu chứng sốt, đau khớp, tiêu chảy,…
  • Tác dụng phụ liên quan đến thuốc điều trị: Kích ứng da, biến chứng thai kỳ, nhạy cảm da với ánh sáng mặt trời,…
  • Ảnh hưởng tâm lý, trầm cảm: Hầu hết người bị mụn bọc đều cảm thấy xấu hổ và tự ti về vấn đề da của mình, lâu ngày dẫn đến ngại giao tiếp, thậm chí trầm cảm (đặc biệt là ở người trẻ).

Mụn bọc dễ để lại sẹo và thâm nếu điều trị

Thâm, sẹo khiến làn da mất thẩm mỹ, nhiều người trở nên mất tự tin khi giao tiếp.

9. Điều trị mụn bọc ở đâu tốt?

O2 SKIN tự hào là phòng khám Da liễu tiên phong điều trị mụn chuyên sâu ở tất cả các cấp độ. Đối với các trường hợp mụn bọc, phòng khám O2 SKIN cung cấp các giải pháp điều trị riêng biệt để khách hàng lựa chọn theo nhu cầu:

  • Phác đồ điều trị mụn truyền thống: Chủ yếu dùng thuốc, phù hợp với mọi cấp độ mụn bọc, chi phí hợp lý với cả học sinh – sinh viên.
  • Phác đồ điều trị chuẩn O2 SKIN: Có thể áp dụng với mọi cấp độ mụn bọc, kết hợp dùng thuốc và chăm sóc da mụn chuyên sâu để mụn nhanh khỏi, phù hợp với khách hàng có ngân sách điều trị vừa phải và mong muốn thời gian điều trị nhanh hơn.
  • Phác đồ điều trị nâng cao: Áp dụng nhiều phương pháp để điều trị mọi cấp độ mụn bọc và các vấn đề khác về da (như thâm, sẹo, lỗ chân lông to), thời gian điều trị nhanh, phù hợp với người có ngân sách tương đối cao.

Với phác đồ điều trị cá nhân hóa, hơn 489.000+ Khách hàng đã đến O2 SKIN và đều hài lòng về kết quả điều trị rõ rệt ngay từ ban đầu.

Ngoài ra, phòng khám còn “ghi điểm” bởi nhiều điều khác biệt như:

  • Bác sĩ tư vấn trung thực dựa theo góc độ Y khoa và tình trạng da thực tế của khách hàng, không nói sai sự thật, không chèo kéo để sử dụng dịch vụ không cần thiết.
  • Bên cạnh việc điều trị, các bác sĩ còn tư vấn cách chăm sóc da để ngừa mụn tái phát, tư vấn bí quyết chọn sản phẩm phù hợp để giữ làn da tươi trẻ lâu dài.
  • O2 SKIN đảm bảo cung cấp thuốc, dược mỹ phẩm đặc trị mụn hiệu quả thông qua việc trang bị nhà thuốc đạt chuẩn GPP.
  • Bảng giá dịch vụ tại O2 SKIN minh bạch và rõ ràng, khách hàng sẽ thanh toán từng lần điều trị, chủ động sắp xếp tài chính dễ dàng. Đặc biệt đối với các bạn học sinh, sinh viên, O2 SKIN còn hỗ trợ mức giá siêu ưu đãi.

Khi cần tư vấn, nhân viên O2 SKIN sẽ sẵn sàng trao đổi với khách hàng, dịch vụ chu đáo. Do đó phòng khám ngày càng nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Bạn Vĩnh Phát (18 tuổi, sinh viên, Đồng Nai) chia sẻ cảm thấy hài lòng vì chỉ sau vài lần điều trị tại O2 SKIN, tình trạng mụn bọc ở vùng trán, mụn viêm ở vùng má và mũi được cải thiện rõ rệt:

Hoặc trường hợp khác, bạn Hà Minh Đức (22 tuổi, sinh viên, Đồng Nai) cảm thấy nản sau nhiều lần tự điều trị mụn bọc tại nhà nhưng không thuyên giảm. Sau đó, bạn quyết định đến O2 SKIN để thăm khám và điều trị, sau 3 tháng kết quả nhận được khá bất ngờ:

Và còn rất nhiều bạn trẻ khác đều đánh giá cao về dịch vụ và năng lực chuyên môn điều trị mụn chuẩn Y khoa của O2 SKIN. Mời bạn xem thêm TẠI ĐÂY nhé!

10. Cách chăm sóc và phòng ngừa mụn bọc

Bên cạnh việc điều trị, bác sĩ O2 SKIN còn tận tình hướng dẫn bạn cách chăm sóc và phòng ngừa mụn bọc tái phát. Theo đó, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Rửa mặt đúng cách: Không quá 2 lần/ngày, ưu tiên chọn loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, thao tác nhẹ nhàng, không chà xát da quá mạnh để tránh gây kích ứng mụn bọc viêm sưng. Lưu ý, bạn nên rửa mặt sau khi vận động hoặc làm sạch lớp trang điểm trước khi đi ngủ để loại bỏ dầu nhờn và vi khuẩn, thông thoáng lỗ chân lông.
  • Thoa kem chống nắng mỗi ngày: Trước khi đi ra ngoài, bạn nên sử dụng kem chống nắng có SPF 30 hoặc cao hơn, có phổ rộng (chặn cả tia UVA và UVB) để giúp giảm thiểu tổn thương da từ ánh nắng.
  • Dùng dược mỹ phẩm phù hợp với từng loại da: Chọn sữa rửa mặt chứa các hoạt chất kháng viêm, kiềm nhờn, cân bằng pH; dưỡng ẩm dạng lỏng/gel không gây bít tắc hay sinh nhân mụn; mặt nạ đất sét kiềm nhờn, hoặc có trà xanh kháng viêm, tẩy tế bào chết chứa AHA/ BHA…
  • Dùng toner cây phỉ và mặt nạ đất sét: Bởi toner có chiết xuất cây phỉ (Witch Hazel) giúp làm sạch sâu và kháng khuẩn, cân bằng lượng nhờn và pH trên da. Còn mặt nạ đất sét có tác dụng hút sạch bã nhờn, làm sạch da từ sâu bên trong, giúp da thông thoáng hơn, hỗ trợ điều trị mụn bọc hiệu quả.
  • Cách chọn sản phẩm trang điểm: Bạn nên ưu tiên sản phẩm được dán nhãn “không gây dị ứng” và “không chứa dầu”, để hạn chế tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Vệ sinh không gian ngủ sạch sẽ: Trong lúc ngủ, da mặt tiếp xúc trực tiếp với nệm, chăn, ga, gối, do đó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và bụi bẩn tích tụ, càng khiến tình trạng mụn thêm nghiêm trọng. Để phòng tránh điều này, bạn nên làm sạch nệm, giặt chăn, ga, vỏ gối thường xuyên.
  • Không nặn mụn: Không nên tự ý nặn mụn hoặc sờ tay lên mụn để tránh tình trạng da thêm trầm trọng.

Tự ý nặn mụn bọc có thể làm mụn lây lan sang vùng da khác nhiều hơn

Không nên tự ý cạy, nặn hoặc tác động mụn bọc tại nhà – Lưu ý này bạn đừng quên nhé!

11. Câu hỏi thường gặp

11.1. Mụn bọc đau phải làm sao?

Để giảm đau do mụn bọc, bạn có thể chườm lạnh bằng cách bọc một ít đá trong một miếng vải hoặc túi chuyên dụng, sau đó nhẹ nhàng ấn vào vùng da có mụn, thực hiện vài lần trong ngày, mỗi lần không quá 5-10 phút và giữa các lần thực hiện cách nhau hơn 15 phút. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp giảm đau tạm thời. Bạn cần đến gặp bác sĩ để có biện pháp chuẩn Y khoa, nhằm ngăn chặn mụn bọc phát triển.

11.2. Có phương pháp nào điều trị sẹo sau mụn bọc hiệu quả không?

Sẹo sau mụn bọc hình thành là do tự ý nặn mụn hoặc không điều trị nốt sần, dẫn đến tình trạng viêm nặng hơn, lâu ngày vùng da bị viêm biến thành vết thâm và sẹo vĩnh viễn. Khi đó, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để cải thiện sẹo sau mụn bọc: công nghệ laser (laser CO2 fractional, laser erbium YAG), lăn kim, peel hóa học,… Tùy theo tình trạng da mà bác sĩ sẽ tư vấn đến bạn phương pháp điều trị phù hợp.

11.3. Trị mụn bọc thất bại thường do đâu?

Nguyên nhân chữa mụn bọc thất bại thường do tự điều trị tại nhà (ai mách phương pháp nào cũng áp dụng), nôn nóng khi điều trị (sử dụng sản phẩm chứa corticoid tác dụng nhanh nhưng để lại nhiều hậu quả), điều trị theo toa thuốc người khác (tuy nhiên mỗi người có tình trạng da khác nhau nên cần có phác đồ điều trị riêng biệt thì mới đạt hiệu quả),…

Lời khuyên: Vì mụn bọc là dạng tổn thương sâu dưới da, nên cần điều trị bởi bác sĩ Da liễu giỏi, có phác đồ điều trị chuẩn Y khoa mới có thể đạt hiệu quả tối đa.

11.4. Các cách trị mụn bọc tại nhà từ thiên nhiên có hiệu quả không?

Đa phần hiện nay, các công thức trị mụn bằng thiên nhiên thường mang tính truyền miệng, vẫn chưa có bằng chứng xác thực và cơ sở khoa học đầy đủ về việc mang lại hiệu quả trong điều trị mụn. Do đó bạn cần thận trọng khi áp dụng. Vì mụn bọc là tình trạng mụn nặng, da dễ kích ứng nên nếu điều trị không đúng cách và thiếu cơ sở khoa học dễ gây ra viêm nhiễm nặng hơn và làm mụn bọc lây lan khó điều trị. Tốt nhất bạn nên đến các cơ sở Phòng khám Da liễu uy tín để thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp.

11.5. Trị mụn bọc khi mang thai có cần lưu ý gì không?

Trị mụn bọc cho bà bầu cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ Da liễu. Để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng thai nhi, bà bầu không tự ý mua thuốc điều trị mụn khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

11.6. Có cách trị mụn bọc nhanh nhất không?

Để chữa mụn bọc cần kết hợp nhiều phương pháp mới mang lại hiệu quả cao. Thời gian điều trị ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng mụn, phương pháp trị mụn, cách chăm sóc da. Do vậy không có cách trị mụn bọc nhanh nhất, thay vào đó để rút ngắn thời gian điều trị bạn nên sớm thăm khám và trị mụn đúng cách ngay từ đầu.

Trên đây là bài viết tham khảo nhằm cung cấp cho bạn những kiến thức cần biết về mụn bọc. Nhìn chung, việc điều trị mụn bọc sẽ trở nên đơn giản hơn nếu bạn tiếp cận đúng hướng ngay từ ban đầu và kiên trì thực hiện. O2 SKIN sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên con đường chăm sóc làn da khỏe đẹp, sớm “tạm biệt” mụn bọc, lấy lại sự tự tin trong cuộc sống.

Nguồn tham khảo

  1. Sách “Hiểu Mụn Để Hết Mụn” – Xuất bản bởi NXB Y học phối hợp cùng Phòng khám da liễu O2 SKIN.
  2. Stephanie S. Gardner, MD. Acne Visual Dictionary. 14 08 2022. https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/ss/slideshow-acne-dictionary (ngày truy cập 02 02 2024).
  3. Kristeen Cherney. What Is Acne Conglobata and How Is It Treated? 29 09 2018. https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/acne-conglobata (ngày truy cập 02 02 2024).
  4. Angela Palmer. How to Identify and Treat Acne Conglobata. 26 01 2024. https://www.verywellhealth.com/acne-conglobata-overview-4158219 (ngày truy cập 02 02 2024).
  5. Sutaria, Amita H., et al. “Acne vulgaris.” StatPearls [Internet]. StatPearls Publishing, 2023.

Bài viết cùng chuyên mục

Các loại thuốc trị mụn trứng cá và lưu ý khi sử dụng

Các loại thuốc trị mụn trứng cá và lưu ý khi sử dụng

Tự ti, ngại ngùng trong giao tiếp và khó thể hiện nhiều khía cạnh của bản thân khi bị mụn trứng cá là chia sẻ…
Xem Chi Tiết
9 nguyên nhân gây mụn phổ biến, có thể bạn đang mắc phải

9 nguyên nhân gây mụn phổ biến, có thể bạn đang mắc phải

Nổi mụn là vấn đề mà hầu hết mọi người gặp phải, không chỉ gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt mà còn ảnh hưởng…
Xem Chi Tiết
Lăn kim trị mụn có hiệu quả không và những điều bạn cần biết

Lăn kim trị mụn có hiệu quả không và những điều bạn cần biết

Trong những năm gần đây, lăn kim trị mụn được biết đến nhiều hơn nhờ khả năng cải thiện tình trạng mụn và thâm mụn.…
Xem Chi Tiết
Phân loại mụn trứng cá, nguyên nhân và cách trị mụn hiệu quả

Phân loại mụn trứng cá, nguyên nhân và cách trị mụn hiệu quả

Mụn trứng cá kéo dài ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, gây ra tâm lý tự ti, mặc cảm ở nhiều người. Điều trị không…
Xem Chi Tiết
Mụn viêm là gì? Dấu hiệu, cách điều trị và chăm sóc hiệu quả

Mụn viêm là gì? Dấu hiệu, cách điều trị và chăm sóc hiệu quả

Tuy là tình trạng phổ biến nhưng mụn viêm vẫn khiến nhiều người đau đầu vì điều trị hoài không hết. O2 SKIN hiểu rằng,…
Xem Chi Tiết
Mụn ẩn là gì? Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Mụn ẩn là gì? Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Mụn ẩn là loại mụn có nhân nằm dưới bề mặt da nên rất khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với các vấn đề khác…
Xem Chi Tiết

Chat Tư Vấn
Facebook

Chat Tư Vấn
Facebook