Viêm da tiết bã là bệnh lý da liễu mạn tính thường biểu hiện triệu chứng ở vị trí tập trung tuyến bã nhờn. Tình trạng này tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây mất thẩm mỹ đặc biệt là ở mặt, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Cùng O2 SKIN tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm da tiết bã và cách điều trị phù hợp.
Tìm hiểu viêm da tiết bã là gì?
Viêm da tiết bã (Seborrheic dermatitis) còn được gọi là viêm da dầu hay chàm da mỡ, là một bệnh viêm da mạn tính. Thương tổn cơ bản là các mảng hồng ban, giới hạn rõ, bề mặt có vảy dính màu trắng. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ngứa tại vùng bị viêm.
Viêm da dầu có thể xảy ra ở mọi vùng da trên cơ thể, đặc biệt là khu vực có tuyến bã nhờn hoạt động nhiều như mặt, da đầu, lưng trên, ngực,….
Viêm da tiết bã là tình trạng da xuất hiện những mảng đỏ, vảy khô, vảy nhờn, da nhăn nheo.
Nguyên nhân gây viêm da tiết bã
Có nhiều yếu tố liên quan đến sự phát triển của viêm da tiết bã. Sự khởi phát của tình trạng này dường như có liên quan đến sự tương tác của hệ vi khuẩn bình thường trên da (đặc biệt là Malassezia spp.), thành phần lipid trên bề mặt da và tính nhạy cảm của từng cá nhân.
Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ gây viêm da tiết bã nặng hơn:
- Tuổi, giới: Tuổi càng lớn nguy cơ càng dễ bị viêm da tiết bã hơn người trẻ, đồng thời nam giới cũng được cho là hay gặp tình trạng này hơn nữ giới.
- Hệ miễn dịch yếu: Ung thư, ghép tạng, HIV-AIDS, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch,… có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, từ đó tăng nguy cơ bị viêm da tiết bã.
- Các bệnh về thần kinh và tâm thần: Bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh mất trí nhớ Alzheimer, trầm cảm nặng, Rối loạn chức năng tự chủ
- Môi trường: Độ ẩm và nhiệt độ môi trường thấp tạo điều kiện cho viêm da tiết bã phát triển mạnh mẽ.
- Yếu tố nội tiết: Androgen kích thích tuyến bã nhờn hoạt động, sản xuất nhiều dầu hơn. Sự mất cân bằng nội tiết tố này thường gặp ở tuổi dậy thì, mang thai hoặc trong một số bệnh lý. Làn da dầu tạo môi trường thuận lợi cho nấm Malassezia phát triển mạnh, khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
- Yếu tố di truyền: Theo khảo sát, phần đông người bệnh đã có người thân cũng từng mắc bệnh. Do đó nếu trong gia đình có người bị viêm da tiết bã thì bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Lớp màng bảo vệ da suy yếu: Hàng rào bảo vệ da bị tổn thương khiến da dễ bị kích ứng bởi các tác nhân nội và ngoại sinh, tạo điều kiện cho nấm Malassezia xâm nhập và gây viêm. Điều này có thể do thời tiết khô hanh, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp, tiếp xúc với hóa chất
Tình trạng làn da tiết nhiều dầu dễ dẫn đến nguy cơ bị viêm da tiết bã trên mặt.
Triệu chứng của viêm da tiết bã nhờn
Dưới đây là các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm da tiết bã:
- Dát đỏ bề mặt có vảy cám dính, hoặc vảy trắng khô ở cung mày, rãnh mũi má, ông tai ngoài, nếp gấp sau tai, rìa chân tóc da đầu, quanh miệng, vùng tam giác ngực trên.
- Có thể có ngứa khi nổi triệu chứng đỏ da, tróc vảy.
- Trẻ sơ sinh thì biểu hiện đỏ da ở vùng tã lót, nếp gấp ở cổ, nách, kẽ mông, rốn. Hoặc thường thấy với lớp vảy màu vàng bám dính phát sinh trên đỉnh và phía trước da đầu.
Viêm da tiết bã có nguy hiểm không?
Bệnh viêm da dầu không gây nguy hiểm tới sức khỏe của người mắc nhưng ảnh hưởng rất lớn tới thẩm mỹ, đặc biệt là tình trạng viêm da dầu ở mặt, ở da đầu. Hơn nữa, tình trạng viêm da kèm ngứa ngáy kéo dài, khó chịu cũng ảnh hưởng đến tâm lý, gây căng thẳng, lo âu. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng để kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và giảm thiểu nguy cơ tái phát.
Người bị viêm da tiết bã nhờn nên gặp bác sĩ khi nào?
Hãy đến gặp bác sĩ chăm sóc sức khỏe nếu:
|
Bạn nên đến thăm khám bác sĩ nếu bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và kèm triệu chứng nguy hiểm.
Cách cải thiện tình trạng viêm da tiết bã nhờn
Để chẩn đoán viêm da tiết bã, bác sĩ thường dựa trên đánh giá lâm sàng, quan sát các triệu chứng điển hình như dát đỏ, vảy ở các vị trí đặc trưng. Tuy nhiên, một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm cạo da tìm nấm Malassezia hoặc sinh thiết da nhuộm PAS để quan sát nấm trong lớp sừng. Qua đó đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp, cụ thể:
Điều trị viêm da tiết bã da đầu
Với trường hợp viêm da dầu ở da đầu, tùy theo mức độ mà bạn sử dụng loại dầu gội phù hợp:
- Trường hợp nhẹ: Dùng dầu gội trị gàu chứa selenium sulfide, kẽm pyrithione, gội 2 lần/tuần. Để kiểm soát lâu dài, bác sĩ có thể kê dầu gội chống nấm ciclopirox (Loprox) hoặc ketoconazole (Nizoral), dùng hàng ngày đến 2 – 3 lần/tuần cho đến khi hết gàu, sau đó giảm còn 1 – 2 lần/tuần để ngừa tái phát.
- Trường hợp trung bình đến nặng: Bác sĩ có thể kê dầu gội chứa betamethasone valerate (Luxiq), clobetasol (Clobex), fluocinolone (Capex) hoặc dung dịch fluocinolone (Synalar). Tần suất sử dụng tùy theo chỉ định, có thể hàng ngày hoặc 2 lần/ngày trong 2 tuần, sau đó giảm còn 2 lần/tuần.
Dùng dầu gội trị gàu, nấm để cải thiện tình trạng viêm da tiết bã da đầu.
Cách trị viêm da tiết bã ở mặt, tai, ngực và lưng
Việc điều trị viêm da tiết bã ở mặt, tai, ngực và lưng cần sự kết hợp của các loại thuốc và phương pháp chăm sóc da phù hợp. Dưới đây là một số loại thuốc thường được sử dụng:
- Thuốc chống nấm tại chỗ: Các hoạt chất phổ biến trong thuốc gồm ketoconazole, clotrimazole và miconazole. Cơ chế hoạt động của chúng là ức chế sự phát triển của nấm Malassezia, từ đó làm giảm viêm, ngứa và bong tróc. Thuốc chống nấm thường được bào chế dưới dạng kem hoặc lotion, thoa lên vùng da bị ảnh hưởng 1 – 2 lần mỗi ngày.
- Thuốc corticosteroid: Trong trường hợp viêm da tiết bã nặng hơn, bác sĩ có thể kê thêm thuốc corticosteroid để giảm viêm nhanh chóng. Các loại thuốc thường được sử dụng là hydrocortisone, betamethasone và clobetasol. Corticosteroid có tác dụng mạnh trong việc ức chế phản ứng viêm và giảm ngứa, nhưng chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn và theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc ức chế calcineurin: Nhóm thuốc này bao gồm tacrolimus và pimecrolimus, có tác dụng ức chế calcineurin, một loại protein đóng vai trò quan trọng trong quá trình viêm. Thuốc ức chế calcineurin được xem là lựa chọn thay thế an toàn hơn so với corticosteroid, đặc biệt là khi sử dụng cho vùng da mặt.
Thói quen sinh hoạt hạn chế diễn tiến viêm da tiết bã
Để hạn chế viêm da tiết bã tiến triển trầm trọng hơn, bạn nên hạn chế căng thẳng và thức khuya. Nguyên nhân là bởi thức khuya tăng tổng hợp các chất tiền viêm, làm suy giảm chức năng hàng rào bảo vệ da. Điều này làm rối loạn môi trường sống vi sinh vật trên da đầu, da mặt, góp phần tăng lượng vi nấm Malassezia furfur.
Trong khi đó, cortisol được tiết ra nhiều khi căng thẳng khiến da tăng tiết bã nhờn nhiều, làm bệnh nặng hơn.
Cung cấp độ ẩm cho da bằng cách sử dụng kem dưỡng theo chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng ngừa viêm da tiết bã nhờn
Viêm da dầu có thể kiểm soát hiệu quả bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:
- Sử dụng mỹ phẩm phù hợp: Bạn nên lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, không chứa cồn, hương liệu và các chất gây kích ứng. Ưu tiên sản phẩm dành riêng cho da nhạy cảm, có khả năng kiểm soát dầu và cân bằng độ ẩm cho da.
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý: Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt và các chất kích thích. Đồng thời bổ sung các thực phẩm giàu kẽm, vitamin B, omega-3 để tăng cường sức đề kháng cho da.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ: Vệ sinh da mặt, da đầu và cơ thể sạch sẽ hàng ngày bằng sữa rửa mặt, sữa tắm dịu nhẹ. Gội đầu thường xuyên với dầu gội phù hợp, lau khô người sau khi tắm và giữ cho các vùng da nếp gấp luôn khô thoáng.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định: Nếu đang điều trị viêm da tiết bã, bạn hãy tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc hoặc ngừng thuốc đột ngột, và thăm khám định kỳ để được theo dõi và điều chỉnh thuốc khi cần thiết.
Câu hỏi thường gặp
Viêm da tiết bã có tự hết không?
Với trẻ sơ sinh, bệnh sẽ tự khỏi sau 8 – 12 tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, viêm da tiết bã ở người trưởng thành không tự hết nếu không được điều trị đúng cách. Do đó, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị và các nguyên tắc sinh hoạt theo chỉ định của các bác sĩ để đẩy lùi bệnh.
Viêm da dầu cần kiêng gì?
Người bị bệnh cần kiêng thực phẩm có khả năng làm tăng tổng hợp chất gây viêm trong cơ thể như thực phẩm chứa nhiều Omega-6, thịt đỏ, đường tinh luyện, thực phẩm đóng gói, sữa và chế sữa phẩm từ sữa bò… Đồng thời khi đang có biểu hiện của viêm da tiết bã, bệnh nhân có thể giảm tiêu thực phẩm giàu histamin để hạn chế tình trạng ngứa như động vật có vỏ, thực phẩm lên men, đậu phộng….
Viêm da tiết bã nhờn có lây không?
Bệnh này không lây nhiễm nhưng có thể ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài và khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Bệnh cũng tồn tại khá lâu và cần điều trị kiên trì trong thời gian dài hoặc tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Sự khác biệt giữa chàm da mỡ và bệnh vẩy nến là gì?
Viêm da tiết bã và vảy nến khác nhau về cơ chế bệnh sinh lẫn biểu hiện triệu chứng trên cơ thể. Do rối loạn về tốc độ sản xuất tế bào sừng ở da nên người bị vảy nến thường có những tổn thương mảng đỏ dày hơn, và vảy xếp thành phiến, có màu trắng xà cừ, dễ bong, vị trí thường gặp ở những vị trí ma sát vật lý nhiều như đầu gối, khuỷu tay, cẳng chân.
Với vảy nến da đầu thường được nhầm lẫn với viêm da tiết bã ở da đầu, tuy nhiên đối với vảy nến mảng đỏ da giới hạn rõ ràng hơn, vảy trắng dày, vảy luôn khô, và không đỡ khi dùng các dầu gội trị nấm như trong viêm da tiết bã.
Nhìn chung, bệnh viêm da tiết bã tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti. Vì vậy, ngay khi thấy dấu hiệu da bệnh thì bạn nên thăm khám ở cơ sở da liễu uy tín để được bác sĩ tư vấn giải pháp điều trị, chăm sóc da phù hợp, ngăn ngừa bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.