Mụn đầu đen là gì? Nguyên nhân và cách trị mụn đầu đen

BS CKI Nguyễn Phạm Đan Thùy

Tham vấn y khoa bài viết:

BS CKI Nguyễn Phạm Đan Thùy

Chuyên khoa Da Liễu
Xem thêm thông tin bác sĩ

Mụn đầu đen là loại mụn trứng cá có kích thước nhỏ, thường xuất hiện ở những vị trí da nhiều dầu nhờn phổ biến là mụn đầu đen ở mũi, trán và má. Loại mụn này thường tiến triển âm thầm và dai dẳng, nếu không được điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng đến vẻ đẹp thẩm mỹ. Vì vậy trong bài viết này, O2 SKIN chia sẻ đến bạn cách trị mụn đầu đen chuẩn Y khoa, an toàn và hiệu quả, giúp bạn sớm lấy lại sự tự tin và nét rạng ngời cho làn da.

Tìm hiểu mụn đầu đen

Hiểu mụn đầu đen để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

1. Mụn đầu đen là gì?

Mụn đầu đen là một dạng mụn nhẹ, không viêm, kích thước nhỏ khoảng 1mm, có phần đầu mụn nhô lên khỏi bề mặt da, tiếp xúc với không khí và bị oxy hóa, dẫn đến chuyển sang màu đen đúng như tên gọi. Mụn đầu đen hiếm khi gây đau hay sưng mủ, nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến nhiều bạn mất tự tin trong cuộc sống.

Vị trí mọc mụn: Ở các vị trí tiết nhiều dầu như mũi, trán, cằm, má. Ngoài ra mụn còn có thể mọc ở các vị trí khác trên cơ thể như lưng, ngực, cổ vai.

Mụn đầu đen là gì

Những chấm mụn đầu đen ở mũi nhanh chóng mọc lên, rồi lan rộng ra xung quanh khiến nhiều người phiền lòng và tự ti.

2. Cơ chế hình thành mụn đầu đen

Mụn đầu đen hình thành do sự tích tụ vi khuẩn, bã nhờn và tế bào chết trên da, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và nhô lên khỏi bề mặt da. Khi đó, phần nhân mụn tiếp xúc với không khí và bị oxy hóa sẽ chuyển sang màu đen (hoặc nâu đen).

3. Nguyên nhân gây mụn đầu đen

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây mụn đầu đen, hoặc khiến chúng trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể như sau:

  • Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh: Ở những người có cơ địa da nhờn thì tuyến nhờn hoạt động mạnh hơn những người khác, sự sản xuất bã nhờn quá mức dễ gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.
  • Làm sạch da không đúng cách: Không rửa mặt thường xuyên hoặc không tẩy trang trước khi ngủ khiến lượng mỹ phẩm dư thừa cũng như khói bụi tích tụ làm bít tắc lỗ chân lông, ngày qua ngày dẫn đến mụn đầu đen.
  • Dùng mỹ phẩm không đúng cách: Việc sử dụng một số sản phẩm chứa các thành phần như adapalene, benzoyl peroxide, BHA, AHA,… nhưng không theo hướng dẫn của bác sĩ có thể làm cho tình trạng mụn trở nặng hơn.
  • Thay đổi nội tiết tố: Ở một số giai đoạn (như dậy thì, mang thai, cho con bú, gặp các vấn đề kinh nguyệt, dùng thuốc tránh thai,…) dẫn đến những thay đổi nội tiết tố, khiến các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, dẫn đến xuất hiện mụn.
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Nguyên nhân mụn đầu đen có thể đến từ thói quen ăn nhiều món có chỉ số đường cao (GI cao – giàu carbohydrate), sữa và các sản phẩm từ sữa động vật, thức ăn cay nóng hoặc chứa dầu mỡ,…
  • Sinh hoạt thiếu lành mạnh: Thói quen thường xuyên thức khuya, mất ngủ, lo âu, căng thẳng kéo dài cũng khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, làm tăng mức độ nghiêm trọng của mụn đầu đen.
  • Lạm dụng thuốc: Việc tự ý sử dụng các loại thuốc như corticosteroids, lithium, androgens cũng là nguyên nhân khiến da tăng tiết bã nhờn, hình thành mụn đầu đen.
  • Do thời tiết: Độ ẩm cao và ô nhiễm không khí khiến cơ thể phản ứng bằng cách tăng tiết chất bã nhờn nhiều hơn, gây nên mụn đầu đen.
  • Di truyền: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em của bạn thuộc tuýp da nhờn và bị mụn, thì bạn cũng có nhiều khả năng gặp vấn đề mụn tương tự.

Nguyên nhân gây ra mụn đầu đen

Bên cạnh do cơ địa hay di truyền, nguyên nhân gây mụn đầu đen còn xuất phát từ thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của nhiều bạn trẻ.

4. Nếu không sớm xử lý mụn đầu đen, điều gì sẽ xảy ra?

Sau đây là những tác hại do mụn đầu đen nếu không được xử lý đúng cách:

  • Tình trạng mụn đầu đen dày đặc sẽ khiến làn da sần sùi, lỗ chân lông to.
  • Da sạm đen, không đều màu.
  • Có nguy cơ chuyển thành mụn viêm/mụn bọc/mụn nang,…
  • Nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng và lan sang các lỗ chân lông lân cận, gây ra tình trạng mụn lan rộng.

Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị hiệu quả ngay từ ban đầu, nhằm tránh những biến chứng trên.

5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy sự xuất hiện của mụn đầu đen. Thông qua thăm khám, bác sĩ sẽ xác định tình trạng và nguyên nhân gây mụn đầu đen, từ đó có cách khắc phục hiệu quả, tránh để mụn tiến triển trầm trọng hơn.

6. Cách điều trị mụn đầu đen hiệu quả

Điều cốt lõi trong việc điều trị mụn đầu đen là giảm tiết nhờn, làm sạch da, giải phóng bít tắc nang lông.

Cụ thể có các cách hết mụn đầu đen như sau:

6.1. Các phương pháp trị mụn đầu đen không kê đơn

Để giảm mụn đầu đen tại nhà, bạn có thể áp dụng những cách sau:

Sử dụng sữa rửa mặt: Bạn nên chọn những sữa rửa mặt có độ pH khoảng 4.5 – 6.5 để làm sạch nhưng không làm khô da. Ngoài ra, bạn cũng nên ưu tiên những sản phẩm chứa các hoạt chất có khả năng kiểm soát lượng dầu nhờn dư thừa và ngăn chặn hình thành mụn như Benzoyl Peroxide, Retinol, AHA, BHA,…

Tẩy tế bào chết: Tẩy tế da chết giúp thông thoáng lỗ chân lông, từ đó ngăn ngừa mụn trứng cá hình thành. Nếu chọn tẩy tế bào chết dạng vật lý, bạn nên chọn sản phẩm có hạt scrub nhỏ mịn để tránh làm tổn thương da. Nếu như chọn tẩy tế bào chết hóa học thì ưu tiên sản phẩm có thành phần AHA, BHA, Retinoids,… để làm sạch sâu và giảm dầu thừa trên da.

6.2. Sử dụng thuốc trị mụn đầu đen

Dùng thuốc là cách trị mụn đầu đen thông dụng nhất, bao gồm thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc uống (tùy theo mức độ mụn).

6.2.1. Thuốc bôi trị mụn

Đối với tình trạng mụn đầu đen nhẹ đến trung bình có thể đáp ứng điều trị tốt với thuốc bôi tại chỗ (chủ yếu được sản xuất ở dạng kem, mỡ, gel, bọt, lotion,…) giúp giảm lượng dầu thừa và thúc đẩy sự thay đổi tế bào da.

Nhìn chung, các loại thuốc bôi mụn đầu đen thường có các hoạt chất như sau:

  • Benzoyl peroxide: Đây là hoạt chất có tính kháng khuẩn, loại bỏ tế bào chết, bã nhờn và dầu thừa, qua đó giúp da thông thoáng hơn, giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, cải thiện tình trạng mụn. Với Benzoyl peroxide thường được bôi mỏng vùng nhỏ trên da, tần suất dùng khác nhau tùy vào tình trạng da mỗi người. Lưu ý, hoạt chất này có thể gây ra một số tác dụng phụ như da khô và căng, cảm giác nóng rát hoặc châm chích, kích ứng đỏ hoặc bong tróc da. Tuy nhiên, các tác dụng phụ thường không quá nặng và sẽ hết khi ngừng điều trị.
  • Retinoids Adapalene: Đây là loại retinoids bôi thế hệ mới, có tác dụng tăng tổng hợp, tái tạo các tế bào thượng bì, bình thường hóa quá trình thay mới tế bào da, tăng tổng hợp collagen, từ đó giảm mụn đầu đen đáng kể. Hoạt chất này có sẵn ở dạng gel hoặc kem, thường được bắt đầu bôi với nồng độ thấp và tần suất dùng ít, sau đó tăng dần để hạn chế các tác dụng phụ. Lưu ý ban đầu, bạn nên bôi retinoids tại chỗ với một lớp mỏng để xem độ kích ứng, sau đó tăng dần nếu da đáp ứng tốt. Tương tự các retinoids khác, Adapalene cũng có thể gây tác dụng phụ là kích ứng da, nổi mẩn đỏ nhẹ và châm chích.
  • Axit azelaic: Trong trường hợp benzoyl peroxide hoặc retinoids bôi gây khó chịu, bạn có thể sử dụng Axit azelaic như phương pháp điều trị thay thế. Hoạt chất này có thể loại bỏ da chết, tiêu diệt vi khuẩn và làm sáng da, thường có sẵn ở dạng kem hoặc gel, bôi 2 lần/ngày (hoặc 1 lần/ngày với da nhạy cảm). Lưu ý, Axit azelaic khi dùng nồng độ cao, bôi với tần suất nhiều có thể gây tác dụng phụ như đỏ da, châm chích, kích ứng da… Vì vậy bạn cần tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi sử dụng thuốc bôi mụn đầu đen có chứa hoạt chất này.
  • Axit salicylic: Axit salicylic (0,5 đến 2%) là một axit beta hydroxy (BHA) có sẵn trong một số loại gel, kem dưỡng da, dung dịch, chất tẩy rửa, miếng dán và mặt nạ trị mụn đầu đen không kê đơn. Nó có tác dụng bạt sừng, bong vảy, ngoài ra còn có khả năng chống nhiễm khuẩn, chống nấm. Nhờ đặc tính tan trong dầu nên Axit salicylic có thể xâm nhập vào sâu trong nang lông, giúp giải quyết nhân mụn đầu đen hiệu quả. Axit salicylic thường được sử dụng một lần mỗi ngày và sau đó tăng lên hai hoặc ba lần mỗi ngày nếu cần thiết.
  • Lưu huỳnh: Lưu huỳnh sử dụng bôi tại chỗ có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn C.acnes gây mụn. Đồng thời, lưu huỳnh tương tác với cysteine ​​trong tế bào sừng, dẫn đến việc sản xuất hydro sulfua, có tác dụng tiêu sừng qua đó giúp tăng sự luân chuyển thay mới tế bào da, giúp điều trị hiệu quả tình trạng mụn đầu đen.
  • Axit alpha hydroxy (AHA): Các AHA thường được sử dụng phổ biến nhất là axit glycolic và axit lactic, có tác dụng bong vảy và làm giảm sự gắn kết của tế bào sừng, do đó làm giảm bít tắc nang lông – một trong những cơ chế chính đầu tiên gây nên mụn đầu đen. Ngoài ra, AHA còn thúc đẩy sự phân tán của hắc tố ở lớp đáy, giúp cải thiện tình trạng tăng sắc tố sau viêm.

mụn đầu đen to

Bôi thuốc tại chỗ có thể hết mụn đầu đen ở má nếu áp dụng đúng cách.

6.2.2. Thuốc uống trị mụn

Đối với một số trường hợp mụn đầu đen ở mức độ nặng, xuất hiện dày đặc và có kích thước lớn, bên cạnh các loại thuốc bôi, bác sĩ Da liễu có thể chỉ định một số loại thuốc uống kê đơn để tăng hiệu quả điều trị.

Một số loại thuốc uống điều trị mụn đầu đen mà bác sĩ có thể kê đơn cho bạn:

  • Isotretinoin (Accutane): Nó giúp bình thường hóa bã nhờn và giảm lượng dầu nhờn, đồng thời giúp ngăn ngừa các nang lông bị tắc, được khuyên dùng cho những trường hợp mụn đầu đen nghiêm trọng, có thể kèm với các tổn thương mụn nặng khác hoặc không, và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Spironolactone (Aldactone): một loại thuốc chống androgen đôi khi được sử dụng cùng với thuốc tránh thai ở phụ nữ để kiểm soát sản xuất bã nhờn.
  • Thuốc tránh thai.
  • Thuốc kháng sinh trong trường hợp có kèm viêm nhiễm trên da

6.3. Điều trị mụn đầu đen bằng phương pháp vật lý

Nếu dùng thuốc mà tình trạng mụn đầu đen chưa khỏi hẳn, bạn có thể kết hợp các phương pháp vật lý như sau để thúc đẩy hiệu quả điều trị:

  • Peel da: Phương pháp này sử dụng một số loại axit phủ lên da trong vài phút (thường chứa AHAs và BHAs) để loại bỏ tế bào chết và nhân mụn đầu đen, giúp da thông thoáng và mịn màng hơn, giảm hẳn tình trạng mụn. Tuy nhiên, các hợp chất dùng để peel da là axit, nếu không biết sử dụng đúng liều lượng sẽ dẫn đến bỏng da, sẹo vĩnh viễn. Do đó, bạn không nên tự peel da tại nhà mà lựa chọn cơ sở thực hiện peel da uy tín để đảm bảo an toàn.
  • Lăn kim: Đây là liệu pháp thay da vi điểm (Micro-needling Therapy), tạo ra các tổn thương có kiểm soát thông qua việc tác động lên da bằng những mũi kim siêu nhỏ, kích thích tăng sinh Collagen và Elastin mạnh mẽ, giúp tái tạo làn da mới. Khi làn da mới được thay thế, những nhân mụn đầu đen cũng theo đó được đẩy lên trên và đào thải ra ngoài nhanh hơn. Bên cạnh đó, phương pháp lăn kim trị mụn còn được coi là phương pháp trẻ hóa, giảm tăng tiết nhờn và sừng hóa, từ đó ngăn chặn hình thành mụn mới.
  • Lấy nhân mụn: Bạn không nên tự nặn mụn tại nhà, mà nên đến Phòng khám Da liễu để thực hiện lấy nhân mụn chuẩn Y khoa. Đối với nhân mụn đầu đen thông thường, phòng khám thường sử dụng tăm bông để loại bỏ nhân mụn dễ dàng, thấm hút nhờn nhanh và cải thiện vấn đề da nhanh chóng.

loại bỏ mụn đầu đen

Lấy nhân mụn đầu đen ở trán đúng cách giúp giải quyết tình trạng mụn nhanh chóng.

7. Bác sĩ O2 SKIN nói gì về cách điều trị mụn đầu đen?

Hiện nay, tình trạng tự mua thuốc bôi, thuốc uống hay thực hiện các phương pháp trị mụn không phù hợp có thể làm mụn tiến triển nặng, tổn thương da và khó điều trị hơn. Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc hay phương pháp trị mụn nào tốt nhất cần có sự chỉ định của bác sĩ Da liễu.

Tại phòng khám O2 SKIN, khách hàng sẽ được thăm khám da cẩn thận bởi các bác sĩ có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm và nghiêm túc với nghề. O2 SKIN cam kết tư vấn trung thực, lập phác đồ điều trị mụn chuẩn Y khoa và cá nhân hóa, phù hợp với tình trạng mụn của từng khách hàng. Theo đó, các bác sĩ có thể kết hợp thuốc uống, thuốc bôi với các phương pháp khác như peel da, lấy mụn, lăn kim để nâng cao hiệu quả trị mụn. Điều khác biệt là các phương pháp được chỉ định theo các giai đoạn điều trị và cơ địa mỗi người, không phải ca nào cũng giống nhau. Đáng kể hơn, các phương pháp như lấy mụn, peel da,… đều được thực hiện bởi các điều dưỡng dày dặn kinh nghiệm, thao tác nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương da.

cách để hết mụn đầu đen

O2 SKIN là một trong những phòng khám Da liễu tiên phong cung cấp dịch vụ điều trị mụn chuẩn Y khoa, được nhiều khách hàng đánh giá cao.

Chi phí điều trị mụn đầu đen và các loại mụn khác tại O2 SKIN vô cùng hợp lý, công khai rõ ràng, không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào khác và có thể chi trả theo từng lần điều trị. Điều này khiến nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên rất hài lòng.

Bạn Trần Thị Uyên Nhi (18 tuổi, sinh viên, Cần Thơ) chia sẻ: “Trước đây, em từng bị mụn hơn 4 năm, bao gồm mụn bọc, mụn cám và mụn đầu đen to. Sau một thời gian tự điều trị tại nhà, tình trạng mụn của em không hề cải thiện. Tuy nhiên sau khi đến với O2 SKIN, em được bác sĩ thăm khám cẩn thận và đề ra lộ trình điều trị rõ ràng. Trước tiên là dùng thuốc, sau đó dùng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp, kết hợp lấy nhân mụn, đắp mặt nạ… Nhờ kiên trì điều trị trong 2 tháng mà làn da của em đến nay đã cải thiện hơn 80%, hết mụn hẳn và giúp em tự tin hơn rất nhiều”.

đẩy mụn đầu đen

Hình ảnh Uyên Nhi tươi tắn với làn da hết mụn, mờ thâm.

Và còn rất nhiều khách hàng khác đã điều trị mụn thành công tại O2 SKIN. Tìm hiểu thêm TẠI ĐÂY nhé!

8. Cách chăm sóc và phòng ngừa mụn đầu đen tại nhà

Sau đây là một số cách NÊN thực hiện tại nhà mà bạn có thể thử áp dụng:

  • Tẩy trang và rửa mặt sạch trước khi đi ngủ: Bạn nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Đặc biệt vào buổi tối, bạn nên kèm theo bước tẩy trang (trước khi rửa mặt) để loại bỏ lớp trang điểm, bụi bẩn, bã nhờn tích tụ trên da, giúp lỗ chân lông sạch sâu hơn, hỗ trợ cải thiện mụn hiệu quả.
  • Tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần: Thực hiện tẩy tế bào chết đều đặn trong tuần giúp hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông, loại bỏ mụn đầu đen và cải thiện làn da mềm mại hơn.
  • Sử dụng mặt nạ thiên nhiên: Các loại mặt nạ than hoặc đất sét giúp loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn bị mắc kẹt trong lỗ chân lông, từ đó cũng hỗ trợ loại bỏ mụn đầu đen dễ dàng. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn đắp các loại mặt nạ thiên nhiên khác như trà xanh, mật ong, nha đam,… giúp kiểm soát dầu trên da và dưỡng ẩm hiệu quả.
  • Dùng serum/kem trị mụn đầu đen: Bạn có thể chọn các loại kem hoặc serum trị mụn chứa thành phần thuốc không cần kê đơn OTC và thuộc các hãng dược mỹ phẩm uy tín, tránh sử dụng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
  • Dưỡng ẩm cho da: Bởi vì da khô hoặc thiếu nước kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và tạo điều kiện cho mụn phát triển. Vì vậy bí quyết để ngăn ngừa mụn đầu đen ở mũi, trán và má là chú ý đến việc cấp ẩm cho da. Để đảm bảo đủ ẩm cho da, bạn nên uống nước đầy đủ từ 1.5 – 2 lít nước/ngày, dùng kem dưỡng ẩm không chứa thành phần bít tắc nang lông và phù hợp với tính chất da, đắp mặt nạ dưỡng ẩm 1-2 lần/tuần tùy tình trạng da,…

Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều điều KHÔNG NÊN thực hiện mà bạn cần quan tâm:

  • Không nên tự nặn mụn tại nhà: Thói quen tự nặn mụn có thể không đảm bảo vệ sinh, dễ gây viêm nhiễm, đồng thời còn làm tổn thương sâu hơn hoặc nguy cơ để lại thâm sẹo rất cao.
  • Không lạm dụng miếng dán lột mụn: Có thể nhiều bạn nghĩ cách làm sạch mụn đầu đen đơn giản là dùng miếng dán mụn. Tuy nhiên bạn có biết, miếng dán mụn không thể loại bỏ hoàn toàn mụn đầu đen. Chưa kể, nếu lạm dụng miếng dán mụn có thể khiến làn da bị tổn thương, kích ứng và làm to lỗ chân lông, thậm chí gây sẹo.
  • Hạn chế chà xát mạnh lên da: Khi rửa mặt hoặc nặn mụn, nếu thực hiện thao tác quá mạnh, chà xát lên da có thể gây tổn thương vùng da bị mụn, dẫn đến viêm nhiễm và sẹo.
  • Cân nhắc thật kỹ nếu muốn sử dụng máy hút mụn: Hiện nay trên thị trường có thiết bị tạo lực hút để đẩy mụn đầu đen, bụi bẩn và sợi bã nhờn từ sâu bên trong lỗ chân lông. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng bạn nên hạn chế sử dụng loại máy này, vì lực hút cao có thể gây tổn thương da, biểu hiện là da bầm tím, nổi mẩn đỏ, giãn mạch,…

9. Câu hỏi thường gặp

9.1. Mụn đầu đen có tự hết không?

Hầu hết mụn đầu đen sẽ tự biến mất nếu chúng ở gần bề mặt da, nhưng một số mụn đầu đen ăn sâu vào da thì sẽ rất khó để tự hết. Khi đó, bạn cần đến bác sĩ Da liễu để thăm khám kỹ càng và tư vấn điều trị mụn đầu đen hiệu quả cao, ngăn ngừa tái phát.

9.2. Trị mụn đầu đen mất bao lâu?

Mụn đầu đen thường dai dẳng, khó điều trị dứt điểm. Tuy nhiên nếu có phương pháp điều trị và chăm sóc da hợp lý đều đặn thì tình trạng mụn sẽ được cải thiện và kiểm soát khá tốt. 

9.3. Mụn đầu đen có gì khác với mụn đầu trắng?

Mụn đầu đen có bề mặt da hở, đầu mụn có màu đen hoặc nâu đen đặc trưng. Còn mụn đầu trắng được bao bọc bởi lớp da, thường gọi là mụn ẩn, có cùng màu da hoặc màu trắng. Đây đều là hai loại mụn không viêm, không gây đau hay sưng mủ, nhưng lại gây kém thẩm mỹ cho da.

9.4. Ánh nắng có làm gia tăng tình trạng mụn đầu đen?

Ánh nắng mặt trời có thể làm cho mụn trở nên tối màu hơn, cũng như kéo dài dai dẳng hơn. Ngoài ra, các biện pháp điều trị mụn đầu đen cũng có thể khiến da nhạy cảm với tia UV từ ánh nắng, nên bạn cần đặc biệt chú ý.

9.5. Mụn đầu đen nên đắp mặt nạ gì?

Bạn có thể tham khảo mặt nạ đất sét với khả năng hấp thụ bã nhờn tốt, hạn chế tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó cải thiện mụn đầu đen hiệu quả.

Hy vọng, bài viết giúp bạn có những kiến thức cơ bản và “bỏ túi” cách trị mụn đầu đen chuẩn Y khoa, đạt hiệu quả ngay từ ban đầu, không phải tốn quá nhiều thời gian hay công sức. Nếu bạn còn những thắc mắc khác về mụn đầu đen, hãy gọi ngay cho O2 SKIN qua Hotline 1900 3147 hoặc LIÊN HỆ theo thông tin trên website để được giải đáp rõ hơn nhé!

Nguồn tham khảo

  1. Holly McGurgan. What are Blackheads? 19 05 2023. https://www.healthline.com/health/blackheads (đã truy cập 15 03 2024).
  2. Scott Frothingham and Beth Ann Maye. Blackhead Vacuum to Clean Your Pores: Try It or Skip It?. 24 01 2022. https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/blackhead-vacuum (đã truy cập 15 03 2024).
  3. Daniel Yetman. How Clay Masks May Benefit the Health of Your Skin and Hair. 04 06 2020. https://www.healthline.com/health/clay-mask-benefits (đã truy cập 15 03 2024).
  4. Angela Palmer. Do Pore Strips Actually Work for Blackhead Removal?. 09 10 2023. https://www.verywellhealth.com/do-pore-strips-work-15455 (đã truy cập 15 03 2024).

Bài viết cùng chuyên mục

Klenzit Ms trị mụn gì? Thuốc trị mụn Klenzit Ms mua ở đâu?

Klenzit Ms trị mụn gì? Thuốc trị mụn Klenzit Ms mua ở đâu?

Thuốc trị mụn Klenzit Ms không còn lạ lẫm với những bạn có cơ địa thường xuyên nổi mụn. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn còn…
Xem Chi Tiết
Tetracycline trị mụn: Công dụng và lưu ý sử dụng

Tetracycline trị mụn: Công dụng và lưu ý sử dụng

Tetracycline là thuốc gì, và tại sao nó lại được ứng dụng trong điều trị mụn? O2 SKIN sẽ cung cấp cho các bạn những…
Xem Chi Tiết
Sẹo rỗ là gì? Tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và ngăn ngừa

Sẹo rỗ là gì? Tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và ngăn ngừa

Sẹo rỗ là một trong những di chứng thường gặp nhất khi da bị tổn thương nhưng không được xử trí đúng cách, dứt điểm.…
Xem Chi Tiết
Adapalene là thuốc gì? Tác dụng, chỉ định và cách dùng

Adapalene là thuốc gì? Tác dụng, chỉ định và cách dùng

Adapalene được ứng dụng phổ biến trong điều trị mụn trứng cá. Vậy Adapalene là gì? Hiệu quả trị mụn có tốt không? Chỉ định…
Xem Chi Tiết
IPL là gì? Ưu nhược điểm của IPL trong điều trị các bệnh về da 

IPL là gì? Ưu nhược điểm của IPL trong điều trị các bệnh về da 

IPL là một phương pháp điều trị da liễu ứng dụng công nghệ ánh sáng xung cường độ cao để giải quyết các vấn đề…
Xem Chi Tiết
Klenzit C trị mụn gì? Klenzit Ms và Klenzit C có gì khác nhau?

Klenzit C trị mụn gì? Klenzit Ms và Klenzit C có gì khác nhau?

Klenzit C là thuốc bôi tại chỗ thường được bác sĩ da liễu lựa chọn trong điều trị mụn trứng cá. Việc sử dụng kem…
Xem Chi Tiết

Chat Tư Vấn
Facebook

Chat Tư Vấn
Facebook