Mụn nhọt là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

BS CKI Đoàn Thị Thiện Tâm

Tham vấn y khoa bài viết:

BS CKI Đoàn Thị Thiện Tâm

Chuyên khoa Da Liễu
Xem thêm thông tin bác sĩ

Mụn nhọt là những nốt sưng đỏ, đau nhức, chứa đầy mủ, không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nguy cơ viêm nhiễm lan rộng. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra mụn nhọt? Triệu chứng và cách điều trị mụn nhọt như thế nào? Hãy cùng O2 SKIN tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. [Giải đáp] Mụn nhọt là gì?

Mụn nhọt là một dạng nhiễm trùng da do vi khuẩn gây ra, thường bắt đầu bằng một nốt sẩn đỏ nhỏ ở nang lông. Nốt sẩn này nhanh chóng sưng to, cứng và đau, sau đó hình thành mủ bên dưới da. 

Khoảng 4 – 7 ngày sau, trên đỉnh nhọt sẽ xuất hiện một đầu mủ màu trắng hoặc vàng. Sau một thời gian phần mủ này sẽ vỡ và dịch mủ thoát ra ngoài. 

Trong một số trường hợp, mụn nhọt có thể tập trung thành cụm (nhọt cụm) và gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi. Loại mụn này thường xuất hiện ở những vùng da như mặt, cổ, nách, vai và mông.

Mụn nhọt là gì?

Hình ảnh mụn nhọt ở mặt tại vị trí xung quanh miệng, nốt sưng đỏ, chứa mủ màu trắng đục.

2. Phân loại và dấu hiệu của mụn nhọt

Mụn nhọt có 2 loại là mụn nhọt (nhọt thường) và nhọt độc với các biểu hiện cụ thể như sau: 

2.1. Mụn nhọt (nhọt thường)

Nhọt thường là tình trạng nhiễm trùng nang lông do vi khuẩn gây ra, tạo thành một khối sưng tấy, chứa mủ, gây đau nhức và thường tự khỏi sau vài tuần.

Triệu chứng:

  • Xuất hiện đột ngột vết sưng màu hồng hoặc đỏ, gây đau, đường kính khoảng 1 – 2cm.
  • Vết sưng to dần, chứa đầy mủ. 
  • Đầu nhọt chuyển sang màu trắng, vỡ ra và chảy dịch mủ.
  • Nhọt thường tự khỏi mà không có sẹo, tuy nhiên mụn nhọt lớn có thể để lại sẹo. 
  • Vị trí thường gặp: Mặt, cổ, nách, mông, đùi – những vùng da có lông, dễ đổ mồ hôi hoặc ma sát.

2.2. Nhọt độc

Nhọt độc là một dạng nhiễm trùng da nghiêm trọng, hình thành khi nhiều nang lông liền kề bị viêm nhiễm và lan rộng sang các mô xung quanh. Biểu hiện đặc trưng của nhọt độc là một khối sưng đỏ, mềm, có nhiều lỗ nhỏ trên bề mặt để mủ thoát ra. Vùng da bị tổn thương thường có màu hồng ban, ấn vào đau nhức khó chịu. Nhọt độc thường xuất hiện ở những vùng da dày như sau cổ, lưng và đùi, đồng thời có thể kèm theo sưng hạch bạch huyết vùng lân cận.

Triệu chứng:

  • Nhiều nhọt tập trung tạo thành một mảng viêm đỏ, sưng tấy.
  • Nhiễm trùng lan sâu, gây đau nhức nhiều.
  • Chậm phát triển và lành chậm hơn nhọt thường.
  • Có khả năng để lại sẹo.
  • Kèm theo tình trạng mệt mỏi, sốt và ớn lạnh. 

Nhọt độc

Nhọt độc là một cụm nhọt gây nhiễm trùng nặng, sâu và có thể kèm theo sốt.

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra mụn nhọt

Dưới đây là các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây nên mụn nhọt: 

3.1. Nguyên nhân

Mụn nhọt hình thành do vi khuẩn xâm nhập vào nang lông, gây viêm nhiễm. ‘Thủ phạm’ chính thường là tụ cầu vàng, đặc biệt là loại kháng methicillin trong những trường hợp mụn nhọt kéo dài. Đôi khi, vi khuẩn kỵ khí cũng có thể gây ra mụn nhọt, thường gặp ở những vùng như nách, cổ, mông và mũi.

Vi khuẩn thường lây lan qua việc gãi, vết trầy xước trên da. Khi vi khuẩn đã vào sâu bên trong da, chúng sẽ sinh sôi nhanh chóng, gây viêm nhiễm nang lông, hình thành nên mụn nhọt. Nếu không được kiểm soát, nhiễm trùng có thể lan rộng sang các nang lông lân cận, tạo thành nhọt độc.

3.2. Yếu tố nguy cơ

Mặc dù ai cũng có thể bị nhọt, nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải, bao gồm:

  • Tiếp xúc gần với người bị nhiễm trùng tụ cầu khuẩn: Sống chung với người bị mụn nhọt làm tăng khả năng lây nhiễm vi khuẩn. 
  • Các vấn đề về da: Mụn trứng cá, viêm da,… làm tổn thương hàng rào bảo vệ da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. 
  • Nam giới: Dễ gây tổn thương nang lông thông qua việc cạo râu. 
  • Hàng rào bảo vệ da kém: Những người thường bị bệnh chàm, viêm da tiếp xúc,…
  • Bệnh lý mạn tính: Một số người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, suy dinh dưỡng, béo phì… khiến khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể bị suy giảm.
  • Suy giảm miễn dịch: Người bị HIV/AIDS, bệnh nhân đang xạ trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch,… khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng, tăng khả năng bị mụn nhọt.
  • Vệ sinh kém: Sự xâm nhập của MRSA thường thấy ở những người sống trong viện dưỡng lão, điều kiện đông đúc,…

4. Mụn nhọt có tự hết không? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thông thường, mụn nhọt có thể tự khỏi sau 2 – 3 tuần nhưng nguy cơ để lại sẹo cao. Theo đó, bạn cần gặp bác sĩ nếu xuất hiện mụn nhọt trên mặt hoặc có các dấu hiệu sau:

  • Nhọt diễn biến xấu nhanh chóng, đau dữ dội.
  • Kích thước nhọt lớn, không lành trong 2 tuần, kèm theo sốt.
  • Nhọt xuất hiện liên tiếp nhau, thường xuyên.  
  • Vùng da quanh nhọt đỏ, đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng đã lan vào hệ bạch huyết.
  • Người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu (ghép tạng, nhiễm HIV,…).
  • Trẻ em và người lớn tuổi bị nhọt. 

Người bị mụn nhọt nên gặp bác sĩ da liễu

Người bị mụn nhọt nên gặp bác sĩ da liễu ngay khi có các dấu hiệu như đau nhức dữ dội, mụn xuất hiện thường xuyên, hoặc ở những người có hệ miễn dịch suy giảm. 

5. Biến chứng của mụn nhọt

Trong một số trường hợp, vi khuẩn từ mụn nhọt có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết). Nhiễm trùng máu ban đầu biểu hiện bằng ớn lạnh, sốt, nhịp tim nhanh và cảm giác khó chịu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành sốc nhiễm khuẩn với các triệu chứng như tụt huyết áp, rối loạn thân nhiệt, rối loạn đông máu và xuất huyết, đe dọa tính mạng người bệnh. 

Một biến chứng nguy hiểm khác là nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA). MRSA rất dễ lây lan, đặc biệt trong môi trường tập thể đông người, mất vệ sinh hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, dụng cụ thể thao. Loại vi khuẩn này kháng với nhiều loại kháng sinh thông thường, bao gồm penicillin, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

6. Hướng dẫn cách chăm sóc mụn nhọt tại nhà

Để mụn nhọt nhanh chóng khỏi và hạn chế tình trạng lây lan, bạn nên thực hiện các cách chăm sóc như sau: 

6.1. Chườm ấm

Bạn ngâm một chiếc khăn mặt sạch vào nước ấm, sau đó nhẹ nhàng chườm lên vùng da bị mụn nhọt trong khoảng 10 phút. Lặp lại việc này vài lần trong ngày sẽ giúp mụn nhọt nhanh ‘chín’ và vỡ ra giúp dịch mủ thoát ra ngoài. 

6.2. Vệ sinh da sạch sẽ

Giữ vệ sinh sạch sẽ là điều quan trọng khi bị mụn nhọt. Theo đó, bạn có thể vệ sinh vùng da bị mụn nhọt mặt bằng nước ấm hoặc dung dịch sát khuẩn, sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần mỗi ngày. Đồng thời tắm rửa sạch sẽ toàn thân hàng ngày. 

Vệ sinh sạch sẽ da bị mụn nhọt

Bạn cần vệ sinh sạch sẽ vùng da bị mụn nhọt để loại bỏ bụi bẩn, hạn chế vi khuẩn gây mụn phát triển.

6.3. Giặt quần áo, gối, khăn mặt và khăn trải giường

Bạn nên giặt chăn ga gối đệm, quần áo, khăn tắm và khăn mặt ít nhất mỗi tuần 1 lần bằng nước giặt để tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn gây mụn nhọt sang các vùng da khác. 

7. Cách điều trị mụn nhọt chuẩn Y khoa

Các bác sĩ thường kết hợp phương pháp nặn mụn và dùng thuốc kháng sinh để điều trị mụn nhọt. Tuy nhiên, bạn không nên tự thực hiện tại nhà, vì nếu không đảm bảo vệ sinh và nặn mụn đúng kỹ thuật có thể khiến vi khuẩn lây lan, gây nhiễm trùng nặng hơn, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Tốt nhất, bạn nên đến những cơ sở da liễu uy tín để được điều trị hiệu quả, an toàn. Phòng khám da liễu O2 SKIN với kinh nghiệm hơn 9 năm điều trị mụn chuẩn y khoa có thể giúp bạn xử lý nhiều loại mụn, kể cả các loại mụn nguy hiểm như mụn nhọt, mụn mủ,…. Đến đây, bạn sẽ được các bác sĩ thăm khám, soi da kỹ càng để xác định tình trạng mụn, từ đó thiết lập phác đồ điều trị chuẩn y khoa, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, khi điều trị tại O2 SKIN bạn còn có thể yên tâm bởi các lợi ích như: 

  • Quy trình điều trị mụn chuẩn khoa học gồm 5 bước là thăm khám da, thống nhất phác đồ điều trị, tái khám, nhìn nhận và đánh giá kết quả, cuối cùng là chăm sóc da ngăn ngừa mụn tái phát. 
  • Đội ngũ điều dưỡng được đào tạo bài bản, tay nghề thuần thục, thực hiện các thao tác điều trị chính xác, hạn chế gây đau và tổn thương da. 
  • Để điều trị mụn nhọt, mụn mủ, bác sĩ O2 SKIN có thể chỉ định một số phương pháp như Peel da, Chiếu ánh sáng xanh, Điện di, IPL,… kết hợp cùng thuốc uống và thuốc bôi.
  • Bảng giá điều trị tại O2 SKIN minh bạch, cam kết tư vấn trung thực và không chèo kéo thêm dịch vụ không cần thiết. Khách hàng có thể chi trả cho từng lần điều trị, đặc biệt có ưu đãi dành cho học sinh – sinh viên. 

Thực hiện phương pháp IPL trong điều trị mụn nhọt

Điều dưỡng O2 SKIN thực hiện phương pháp IPL trong điều trị mụn nhọt, mụn mủ để tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, kiểm soát tuyến bã nhờn, làm dịu da, giảm sưng đỏ.

> Đặt hẹn khám mụn với O2 SKIN ngay để điều trị mụn nhọt hiệu quả nhé!

8. Cách phòng ngừa mụn nhọt

Để phòng ngừa mụn nhọt, bạn nên thực hiện một số điều quan trọng sau:

  • Khăn tắm và khăn mặt dùng cho vùng da bị mụn nhọt cần được giặt sạch ngay sau khi sử dụng và để riêng biệt với các loại khăn khác.
  • Không dùng chung khăn tắm với người khác trong thời gian bị mụn nhọt.
  • Sát khuẩn và điều trị khi có các vết thương trên da. 
  • Không được gãi hoặc chạm tay vào mụn nhọt. 
  • Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học. 

9. Câu hỏi thường gặp

9.1. Mụn nhọt có lây không?

Vi khuẩn tụ cầu gây ra mụn nhọt có thể lây lan từ người sang người. Bạn có thể bị lây nhiễm độc tố của vi khuẩn từ vết thương hoặc vật dụng dính chất mủ của người bệnh khi tiếp xúc lên vùng da đang bị trầy xước của mình.

9.2. Mụn nhọt có tái phát không?

Mụn nhọt có thể tái phát, thậm chí là nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn tụ cầu vàng, tác nhân gây ra mụn nhọt, vẫn tồn tại trên da ngay cả khi mụn nhọt đã lành.

Chỉ cần có một vết thương nhỏ trên da, vi khuẩn sẽ có cơ hội xâm nhập và gây nhiễm trùng trở lại. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ tái phát mụn nhọt như vệ sinh da kém, sức đề kháng yếu, mắc các bệnh lý về da (mụn trứng cá, viêm da,…), tiểu đường hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.

9.3. Nên ăn gì để hạn chế bị mụn nhọt?

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe làn da và phòng ngừa mụn nhọt. Theo đó, bạn nên bổ sung các thực phẩm như rau cải, rau bina, súp lơ, cà chua, cam, bưởi, hải sản, thịt bò, các loại hạt, cá hồi, cá ngừ, hạt chia, quả óc chó,… Hạn chế ăn ngọt, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng gói, đồ ăn chiên rán.

Như vậy, bài viết trên đã giải đáp các thắc mắc về mụn nhọt ở mặt và trên cơ thể. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, đặc biệt là với những trường hợp mụn nặng, tái phát nhiều lần, bạn nên đến các cơ sở da liễu uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Nguồn tham khảo

  1. Stephanie Watson. Boils: Treatments, Causes, and Symptoms. 17 07 2024. https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/boils (Truy cập ngày 11 07 2024)
  2. Mayo Clinic Staff. Boils and carbuncles. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/boils-and-carbuncles/symptoms-causes/syc-20353770 (Truy cập ngày 11 07 2024)

Bài viết cùng chuyên mục

Mụn thịt là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Mụn thịt là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Mụn thịt là một bệnh lý về da không gây đau nhức hay viêm nhiễm, nhưng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ khiến nhiều bạn…
Xem Chi Tiết
Khám phá vòng đời của mụn qua các giai đoạn để điều trị hiệu quả

Khám phá vòng đời của mụn qua các giai đoạn để điều trị hiệu quả

Mụn trứng cá thường trải qua nhiều giai đoạn từ lúc hình thành đến khi biến mất. Việc hiểu rõ vòng đời của mụn sẽ…
Xem Chi Tiết
Mụn li ti trên mặt do đâu mà có? Cách trị mụn li ti hiệu quả

Mụn li ti trên mặt do đâu mà có? Cách trị mụn li ti hiệu quả

Mụn li ti trên mặt tuy không sưng viêm hay đau nhức nhưng lại khiến da trông sần sùi, không được mịn màng. Để hiểu…
Xem Chi Tiết
Dầu dừa có trị mụn không? 3 tác dụng của dầu dừa đối với da 

Dầu dừa có trị mụn không? 3 tác dụng của dầu dừa đối với da 

Dầu dừa trị mụn được không? Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm khi tìm kiếm phương pháp tự nhiên cho làn da.…
Xem Chi Tiết
Rau má có trị mụn không? 5 cách dùng rau má để trị mụn

Rau má có trị mụn không? 5 cách dùng rau má để trị mụn

Rau má là một trong những nguyên liệu tự nhiên được nhiều bạn sử dụng để làm đẹp, đặc biệt là điều trị mụn. Tuy…
Xem Chi Tiết
Mụn đinh râu: Hình ảnh, nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

Mụn đinh râu: Hình ảnh, nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp

Mụn đinh râu là tình trạng nhiễm trùng trên bề mặt da do vi khuẩn, chúng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà còn…
Xem Chi Tiết

Chat Tư Vấn
Facebook

Chat Tư Vấn
Facebook