Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao da có thể bảo vệ cơ thể và giúp chúng ta cảm nhận được các tác động từ môi trường không? Bí mật nằm ở cấu trúc của da và các chức năng kỳ diệu của chúng. Xem ngay bài viết sau đây để hiểu rõ hơn nhé!
Theo dõi bài viết sau, bạn sẽ biết làn da có cấu tạo và chức năng gì.
Khám phá cấu trúc của làn da
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể và được tạo thành từ nước, protein, chất béo, khoáng chất. Cấu trúc làn da sẽ gồm ba lớp chính đó là thượng bì, trung bì và hạ bì.
Lớp thượng bì (lớp trên cùng của da)
Trong cấu trúc của da, lớp thượng bì là lớp ngoài cùng của da, có thể nhìn thấy và chạm vào. Lớp này không chứa mạch máu và được nuôi dưỡng bởi lớp trung bì bên dưới.
Các tế bào có trong lớp thượng bì bao gồm:
- Tế bào sừng (Keratinocytes): Chiếm 95% trong lớp thượng bì, sản xuất keratin – một loại protein giúp da cứng cáp và chống thấm nước.
- Tế bào hắc tố (Melanocytes): Sản xuất melanin, sắc tố quyết định màu da và bảo vệ da khỏi tia cực tím (UV).
- Tế bào Langerhans: Là một phần trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại vi khuẩn và nhiễm trùng.
- Tế bào Merkel: Liên quan đến cảm giác xúc giác, giúp nhận biết áp lực và kết cấu bề mặt.
Cấu trúc của lớp thượng bì bao gồm 5 lớp từ dưới lên:
- Lớp đáy (lớp tế bào mầm).
- Lớp tế bào gai.
- Lớp tế bào hạt.
- Lớp tế bào bóng.
- Lớp tế bào sừng.
Ngoài những tế bào, lớp thượng bì cũng được chia thành 5 lớp nhỏ khác nhau.
Lớp trung bì (lớp giữa của da)
Lớp trung bì là lớp nằm giữa thượng bì và hạ bì, dày hơn thượng bì và chứa nhiều cấu trúc quan trọng. Lớp này cung cấp độ đàn hồi, độ bền cho da nhờ vào các sợi collagen và elastin.
Cấu tạo lớp da trung bì bao gồm:
- Sợi collagen: Cung cấp độ bền và hỗ trợ cấu trúc cho da.
- Sợi elastin: Giúp da duy trì độ đàn hồi, cho phép da co giãn và trở về trạng thái ban đầu sau khi bị kéo căng.
- Mạch máu: Cung cấp dưỡng chất và oxy cho cả lớp trung bì, thượng bì.
- Dây thần kinh: Giúp nhận biết các kích thích như chạm, đau và nhiệt độ.
- Tuyến mồ hôi: Giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể thông qua việc tiết mồ hôi.
- Tuyến bã nhờn: Sản xuất dầu tự nhiên để giữ ẩm và bảo vệ da.
- Nang lông: Cấu trúc nơi lông tóc mọc, liên quan đến cảm giác và điều hòa nhiệt độ.
Cấu trúc của da ở lớp trung bì gồm nhiều thành phần như collagen, elastin, tuyến bã nhờn,…
Lớp hạ bì (lớp da dưới cùng)
Trong cấu trúc của da, lớp hạ bì (mô dưới da) nằm ở dưới lớp trung bì, chủ yếu bao gồm mô mỡ và mô liên kết. Lớp này có chức năng bảo vệ, làm đệm cho các cấu trúc sâu hơn khỏi tổn thương cơ học, cung cấp chất dinh dưỡng cho lớp biểu bì và đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương.
Cấu tạo lớp da hạ bì bao gồm:
- Mô mỡ: Dự trữ năng lượng, cách nhiệt và bảo vệ cơ thể khỏi va đập.
- Mô liên kết: Là thành phần chính của lớp hạ bì, chủ yếu được tạo thành từ collagen với một số elastin.
- Mạch máu lớn: Hỗ trợ cung cấp máu cho da và các mô dưới da.
- Dây thần kinh: Truyền tín hiệu giữa da và hệ thần kinh trung ương.
Lớp hạ bì chủ yếu là các mô mỡ và mô liên kết.
Bảng so sánh về ba lớp da trong cấu trúc của da:
Tiêu chí | Thượng bì | Trung bì | Hạ bì |
Độ dày | Khoảng 0,05 – 1,5 mm tùy vào những vị trí trên cơ thể. | Khoảng 1,5 – 4 mm. | Là lớp da dày nhất, độ dày sẽ thay đổi tùy vào vị trí của cơ thể và từng người. |
Thành phần | Gồm nhiều lớp tế bào sừng (keratin), melanocyte (tế bào sắc tố), tế bào Langerhans và tế bào Merkel. | Gồm elastin, collagen, mạch máu, dây thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn và nang lông. | Gồm mô mỡ, mô liên kết, mạch máu và dây thần kinh. |
Chức năng | Bảo vệ khỏi vi khuẩn, vi trùng, tia UV và ngăn mất nước. | Cung cấp độ đàn hồi cho da và cảm nhận các kích thích từ bên ngoài. | Giúp cách nhiệt, dự trữ năng lượng, chịu lực và bảo vệ các cơ quan như cơ, xương,…. |
Các tuyến và phần phụ của da
Trong cấu trúc làn da không chỉ có các lớp bảo vệ cơ thể mà còn chứa nhiều tuyến và phần phụ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể. Chẳng hạn như:
- Tuyến bã nhờn: Nằm ở lớp trung bì, tiết ra dầu nhờn để bôi trơn và chống thấm cho da, tóc. Tuyến bã nhờn tập trung nhiều ở mặt và da đầu, giúp giữ ẩm, bảo vệ da khỏi vi khuẩn.
- Tuyến mồ hôi: Cũng nằm ở lớp trung bì, có khoảng 2 – 3 triệu tuyến mồ hôi (tuyến eccrine) trên cơ thể, chủ yếu ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và nách. Tuyến mồ hôi giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể và loại bỏ chất thải qua việc tiết mồ hôi.
- Tuyến mùi: Chủ yếu được tìm thấy ở nách, quanh núm vú và bộ phận sinh dục. Tuyến này góp phần tạo nên mùi cơ thể đặc trưng của mỗi người.
- Móng: Được tạo thành từ các tế bào sừng hóa của lớp thượng bì, móng bảo vệ đầu ngón tay và ngón chân khỏi chấn thương, đồng thời hỗ trợ trong việc cầm nắm.
- Tóc: Phát triển từ lớp trung bì, mọc từ nang lông và trồi lên trên bề mặt da. Tóc là cơ quan xúc giác quan trọng và giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiệt độ lạnh.
Điểm danh 8 chức năng của cấu trúc làn da
Cấu trúc của da không chỉ đơn thuần là lớp bao phủ bên ngoài mà còn đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng.
- Bảo vệ cơ thể trước tác động ngoài môi trường
- Điều hòa nhiệt độ cơ thể
- Nhận biết các cảm giác
- Tự phục hồi và tái tạo da
- Duy trì độ ẩm cho làn da
- Giảm tác hại của tia UV
- Bảo vệ cơ và xương
- Thực hiện các hoạt động nội tiết
1. Bảo vệ cơ thể trước tác động ngoài môi trường
Chức năng bảo vệ là một trong những vai trò quan trọng hàng đầu của da. Da hoạt động như một hàng rào vật lý và hóa học, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, virus và các tác nhân gây hại từ môi trường như nắng, mưa. Nhờ đó có thể hạn chế được các bệnh lý gây ảnh hưởng đến cơ thể bên trong.
Làn da có vai trò bảo vệ cơ thể trước vi khuẩn, virus gây hại từ môi trường.
2. Điều hòa nhiệt độ cơ thể
Điều hòa nhiệt độ cũng là chức năng quan trọng không kém của cấu trúc da. Khả năng điều hòa nhiệt độ giúp bảo vệ cơ thể khỏi cái lạnh hoặc cái nóng, duy trì nhiệt độ bên trong không đổi. Điều này đạt được bằng cách thay đổi lưu lượng máu qua mạch máu dưới da.
Trong thời kỳ ấm áp, các mạch máu giãn ra, da ửng đỏ và các hạt mồ hôi hình thành trên bề mặt. Trong thời kỳ lạnh, các mạch máu co lại, ngăn nhiệt thoát ra ngoài. Việc tiết và bốc hơi mồ hôi từ bề mặt da cũng giúp làm mát cơ thể.
3. Nhận biết các cảm giác
Cấu trúc làn da có thể giúp bạn nhận biết được các cảm giác. Da có khoảng 1 triệu sợi thần kinh phục vụ cho nhận thức cảm giác. Hơn nữa, da còn là cơ quan ‘cảm giác xúc giác’ kích hoạt phản ứng nếu chúng ta chạm vào hoặc cảm thấy thứ gì đó, bao gồm cả những thứ có thể gây đau.
Điều này rất quan trọng đối với những bệnh nhân mắc bệnh về da, vì đau và ngứa có thể cực độ đối với nhiều người và gây ra sự đau khổ lớn.
4. Tự phục hồi và tái tạo da
Cấu trúc của da đóng vai trò lớn trong việc tự phục hồi và tái tạo da. Da có khả năng tự phục hồi sau khi bị tổn thương nhờ vào quá trình tái tạo tế bào. Các tế bào da mới liên tục được sản sinh để thay thế các tế bào cũ hoặc tế bào bị hư hại, giúp duy trì tính ổn định và chức năng của da.
5. Duy trì độ ẩm cho làn da
Một chức năng khác của cấu trúc da đó là duy trì độ ẩm. Da có thể duy trì độ ẩm bằng cách sản xuất bã nhờn từ tuyến bã và mồ hôi từ tuyến mồ hôi, tạo nên lớp màng ẩm tự nhiên trên bề mặt, ngăn ngừa tình trạng khô da.
6. Giảm tác hại của tia UV
Cấu trúc làn da góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ da trước tia UV. Sắc tố melanin trong da hấp thụ và phân tán tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời, giúp bảo vệ các tế bào da khỏi tổn thương do tia UV gây ra.
Tuy nhiên, tiếp xúc quá mức với tia UV vẫn có thể gây hại da (như cháy nắng, thâm sạm, có vết đồi mồi,…), do đó bạn cần phải bảo vệ da cẩn thận trước ánh nắng.
Mặc dù cấu trúc làn da có thể làm giảm tác hại của tia UV nhưng bạn vẫn cần chống nắng đầy đủ mỗi khi ra đường.
7. Bảo vệ cơ và xương
Chức năng bảo vệ cơ và xương của cấu trúc da giúp giảm thiểu các tác động xấu từ môi trường. Lớp mỡ dưới da (hạ bì) hoạt động như một lớp đệm, bảo vệ các cơ và xương trước những chấn thương như té ngã. Ngoài ra, lớp mỡ này cũng giúp cách nhiệt và dự trữ năng lượng cho cơ thể.
8. Thực hiện các hoạt động nội tiết
Chức năng cuối cùng của cấu trúc làn da là thực hiện hoạt động nội tiết. Da tham gia vào các hoạt động nội tiết bằng cách tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi có ánh sáng mặt trời, một dạng vitamin D gọi là cholecalciferol được tổng hợp trong da. Gan sẽ chuyển cholecalciferol thành calcidiol, sau đó được chuyển thành calcitriol (dạng hóa học hoạt động của vitamin) trong thận.
Vitamin D rất cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi và phốt pho bình thường, giúp cho xương khỏe mạnh. Ngoài ra da cũng chứa các thụ thể cho các hormone steroid khác (estrogen, progestogen và glucocorticoid) và cho vitaminA.
Da bị mất cấu trúc là như thế nào?
Da bị mất cấu trúc sẽ có những biểu hiện như:
- Khô ráp, sần sùi: Là tình trạng da bị mất độ ẩm tự nhiên, khiến da trở nên thô ráp, không mịn màng và có thể bong tróc, nứt nẻ.
- Nếp nhăn, da chảy xệ: Là sự suy giảm collagen và elastin khiến da mất độ đàn hồi, dẫn đến xuất hiện nếp nhăn, chảy xệ.
- Da mỏng yếu, lộ mao mạch: Suy giảm collagen, elastin và hàng rào bảo vệ da bị tổn thương khiến da mỏng, các mạch máu dưới da dễ nhìn thấy hơn.
- Nám, tàn nhang: Sự gia tăng hắc sắc tố melanin do thay đổi nội tiết tố hoặc tác động của tia UV dẫn đến xuất hiện các đốm nám, tàn nhang trên da.
- Mụn, thâm sẹo: Khi da bị bào mòn, các vi khuẩn có thể tấn công vào các lớp biểu bì da, nhất là lỗ chân lông khiến da bị mụn và viêm nhiễm. Điều này cũng làm cho quá trình phục hồi da kém hơn, dẫn đến thâm sẹo mụn.
Mụn, thâm sẹo cũng là một trong những vấn đề liên quan đến mất cấu trúc làn da.
Cách nuôi dưỡng làn da khỏe đẹp
Để sở hữu làn da khỏe đẹp, việc chăm sóc đúng cách và duy trì các thói quen lành mạnh là điều cần thiết. Dưới đây là một số cách giúp nuôi dưỡng làn da hiệu quả:
– Dùng mỹ phẩm hợp với da:
Sử dụng mỹ phẩm hợp với da không chỉ ngăn ngừa kích ứng hoặc nổi mụn còn giúp da bạn mịn màng, khỏe đẹp hơn. Theo đó, nếu bạn thuộc da khô nên ưu tiên sản phẩm có thành phần dưỡng ẩm như Hyaluronic Acid, Glycerin,… Đối với da dầu hoặc da hỗn hợp, bạn nên chọn sản phẩm có khả năng kiềm dầu như Acid salicylic, Niacinamide,…
– Rửa mặt nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh:
Khi làm sạch da, bạn nên sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ, ưu tiên chiết xuất từ thiên nhiên như trà xanh, lô hội,… giúp làm sạch bụi bẩn, không làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da. Đồng thời, bạn cũng cần lưu ý không chà xát mạnh, tránh kích ứng da.
– Bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời:
Mỗi ngày bạn nên sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF từ 30 trở lên, kết hợp che chắn cẩn thận bằng quần áo, kính râm, nón khi ra ngoài giúp bảo vệ da hiệu quả. Kể cả khi trời âm u không nắng thì bạn vẫn nên dùng kem chống nắng nhé.
– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh:
Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất sẽ giúp nuôi dưỡng làn da từ bên trong. Do đó, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách bổ sung các thực phẩm như trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt,….
– Uống đủ nước:
Nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ ẩm và đàn hồi cho da. Uống đủ nước hàng ngày giúp da luôn mềm mại, mịn màng và giảm nguy cơ khô da, xuất hiện nếp nhăn,….
– Ngủ đủ giấc và quản lý căng thẳng:
Thiếu ngủ hoặc căng thẳng kéo dài có thể gây ra mụn và các vấn đề da khác. Do đó, bạn nên đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày, thực hành yoga, thiền hoặc tham gia các hoạt động yêu thích giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe làn da.
Sử dụng mỹ phẩm phù hợp và xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh là cách nuôi dưỡng làn da khỏe đẹp hiệu quả.
Khi nào nên gặp bác sĩ da liễu?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp các tình trạng sau:
- Da bùng phát mụn.
- Da có dấu hiệu bị nhiễm trùng chẳng hạn như vùng da đỏ lan rộng hoặc chảy dịch vàng.
- Vết côn trùng cắn không lành dù đã bôi thuốc.
- Vết bỏng nghiêm trọng kèm theo phồng rộp.
- Xuất hiện phát ban hoặc các vấn đề về da bất thường mà không rõ nguyên nhân.
Câu hỏi thường gặp
Da ở đâu là mỏng nhất?
Trong cấu tạo lớp da, phần da mỏng nhất nằm ở vùng quanh mắt. Ngược lại, da dày nhất ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, nơi phải chịu áp lực và ma sát nhiều nhất.
Lớp sừng của da là gì?
Lớp sừng trong cấu trúc làn da là lớp ngoài cùng của thượng bì, có vai trò bảo vệ da khỏi tác động môi trường, vi khuẩn và ngăn ngừa mất nước.
Làn da không chỉ là lớp bảo vệ bên ngoài mà còn thực hiện nhiều chức năng quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể. Hiểu rõ chức năng và cấu trúc của da sẽ giúp bạn biết cách chăm sóc phù hợp, giữ cho làn da luôn tươi trẻ, khỏe đẹp.